Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Chuyển đối số đồng hành và phát triển cùng tỉnh Đồng Nai
Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam 09-11
Sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp

 

​       Theo Chỉ thị, trong những năm qua, công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), thoái vốn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cơ chế, chính sách về đổi mới tổ chức, quản lý, sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung khá đầy đủ và đồng bộ. DNNN đã giảm mạnh về số lượng, từ năm 2016 đến tháng 11 năm 2018, cả nước đã cổ phần hóa được 147 doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp quy mô vốn nhà nước lớn. Năm 2017, tổng quy mô vốn nhà nước được xác định lại tại các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đạt trên 160 nghìn tỷ đồng, bằng 81,5% tổng giá trị phần vốn nhà nước ở các doanh nghiệp được cổ phần hóa giai đoạn 2011 - 2015, thực hiện thoái vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp, thu về được gần 155 nghìn tỷ đồng. Các DNNN được cơ cấu lại đã tập trung hơn vào những ngành, lĩnh vực quan trọng, thực hiện vai trò, nhiệm vụ làm nòng cốt điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô, hiệu quả hoạt động của DNNN và doanh nghiệp sau cổ phần hóa được nâng lên.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số bộ, ngành, địa phương chưa phê duyệt phương án cơ cấu lại các DNNN, chưa hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt, còn giữ cổ phần chi phối ở nhiều ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn hoặc giữ cổ phần chi phối, đặc biệt là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DNNN chưa tương xứng so với nguồn lực đang nắm giữ. Một số cơ chế, chính sách ban hành chậm so với kế hoạch đề ra. Cơ chế quản trị của các DNNN chậm được đổi mới, chưa phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế…

Để đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn tới, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN tăng cường chỉ đạo, đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước. Theo đó, phải quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN theo Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Nghị quyết số 60/2018/QH14 ngày 15/6/2018 của Quốc hội khóa XIV để nhận thức đúng, đầy đủ theo nguyên tắc thị trường, tuân thủ pháp luật đảm bảo công khai, minh bạch, kiên quyết đẩy lùi các hạn chế, tiêu cực làm chậm quá trình cổ phần hóa, thoái vốn.

Đồng thời, hoàn thành việc xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành Quyết định phê duyệt phương án cơ cấu lại các DNNN trực thuộc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 làm cơ sở để các đơn vị tổ chức triển khai thực hiện. Đẩy nhanh công tác cổ phần hóa, phấn đấu hoàn thành kế hoạch theo danh sách ban hành tại văn bản số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ…

Các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty, DNNN, người đại diện phần vốn tại doanh nghiệp có vốn nhà nước xây dựng lộ trình, thời gian cụ thể để triển khai việc thoái vốn tại doanh nghiệp theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Rà soát, điều chỉnh lại danh sách các đơn vị thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2018 - 2020, đảm bảo khả năng thực hiện. Đồng thời, rà soát các đơn vị thoái vốn chưa thực hiện được trong giai đoạn 2016 - 2018 để chuyển giao sang SCIC để thực hiện thoái vốn trong giai đoạn 2019 - 2020.

Các doanh nghiệp (bao gồm cả các doanh nghiệp thuộc tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước) đã cổ phần hóa nghiêm túc thực hiện việc đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán và việc thu, nộp tiền thu phát sinh từ cổ phần hóa, thoái vốn về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp theo quy định. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp khẩn trương ổn định cơ cấu tổ chức, bộ máy, thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty được chuyển giao…

Để thực hiện tốt mục tiêu, yêu cầu nêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty, DNNN đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, tập trung chỉ đạo và triển khai tốt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Trong đó, khẩn trương hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật phục vụ quá trình cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước trong năm 2019.

Các DNNN thuộc diện cổ phần hóa cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai trình Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa theo đúng quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 và Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017.

Thủ tướng Chính phủ giao Thủ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương, tập đoàn, tổng công ty, DNNN tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và quản lý, sử dụng vốn nhà nước. Đồng thời, phải kiên quyết xử lý dứt điểm các DNNN, các dự án đầu tư chậm tiến độ, hoạt động thua lỗ, kém hiệu quả theo cơ chế thị trường, xem xét, thực hiện phá sản DNNN theo quy định của pháp luật, thực hiện cơ cấu lại và chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư thuộc thành phần kinh tế khác. Làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những vi phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xảy ra tình trạng doanh nghiệp nhà nước, dự án đầu tư thua lỗ, thất thoát, lãng phí lớn. Bên cạnh đó, phải định kỳ công bố công khai thông tin về cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước làm cơ sở để theo dõi, đánh giá tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện./.

Bài 2: Vốn FDI vào Việt Nam năm 2018 đạt gần 35,5 tỷ USD

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính chung trong năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt 35,46 tỷ USD, bằng 98,8% so với cùng kỳ năm 2017. Ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân 19,1 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2017.

Xuất khẩu của khu vực ĐTNN kể cả dầu thô đạt 175,5 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm gần 71,7% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 173,2 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ 2017 và chiếm 70,7% kim ngạch xuất khẩu.

Nhập khẩu đạt 142,7 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm 60,1% kim ngạch nhập khẩu.

Tính đến ngày 20/12/2018, cả nước có 3.046 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới gần 18 tỷ USD, bằng 84,5% so với cùng kỳ năm 2017; có 1.169 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 7,59 tỷ USD, bằng 90,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Cũng trong năm 2018, cả nước có 6.496 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà ĐTNN với tổng giá trị vốn góp 9,89 tỷ USD, tăng 59,8% so với cùng kỳ 2017.

Theo lĩnh vực đầu tư, nhà ĐTNN đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà ĐTNN nhất với tổng số vốn đạt 16,58 tỷ USD, chiếm 46,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 6,6 tỷ USD, chiếm 18,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ ba là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,67 tỷ USD, chiếm 10,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Theo đối tác đầu tư, có 112 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Nhật Bản đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư 8,59 tỷ USD, chiếm 24,2% tổng vốn đầu tư. Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 7,2 tỷ USD, chiếm 20,3% tổng vốn đầu tư. Singapore đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 5 tỷ USD, chiếm 14,2% tổng vốn đầu tư.

Theo địa bàn đầu tư, nhà ĐTNN đã đầu tư vào 59 tỉnh thành phố, trong đó Hà Nội thu hút nhiều vốn ĐTNN nhất với tổng số vốn đăng ký 7,5 tỷ USD, chiếm 21,2% tổng vốn đầu tư. Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 5,9 tỷ USD, chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư. Hải Phòng đứng thứ ba với tổng số vốn đăng ký 3,1 tỷ USD chiếm 8,7% tổng vốn đầu tư.

Câu 3: Chỉ số giá tiêu dùng năm 2018 tăng 3,54%

Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính chung quý IV/2018, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,6% so với quý III/2018 và tăng 3,44% so với quý IV/2017. CPI bình quân năm 2018 tăng 3,54% so với bình quân năm 2017, dưới mục tiêu Quốc hội đề ra. CPI tháng 12/2018 tăng 2,98% so với tháng 12/2017, bình quân mỗi tháng tăng 0,25% và giảm 0,25% so với tháng 11/2018.

Trong đó nhóm giao thông giảm nhiều nhất với 4,88% do ảnh hưởng từ 2 đợt điều chỉnh giảm giá xăng, dầu vào thời điểm ngày 06/12/2018 và ngày 21/12/2018 làm giá xăng, dầu giảm 10,77% (tác động CPI chung giảm 0,45%); nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,89% do giá gas trong tháng giảm 9,64%.

Có 8/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chủ yếu có CPI tháng 12 tăng so với tháng 11/2018, trong đó nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất 5,76% (dịch vụ y tế tăng 7,53%) do giá dịch vụ y tế điều chỉnh tăng theo Thông tư số 39/2018/TT/BYT ngày 30/11/2018 (làm CPI chung tăng 0,29%); may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,43%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,22%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,16%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,05% (lương thực tăng 0,17%; thực phẩm giảm 0,02%); nhóm bưu chính viễn thông và nhóm văn hóa, giải trí và du lịch cùng tăng 0,02%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,24%. Riêng nhóm giáo dục giá không đổi so với tháng 11/2018.

Lạm phát cơ bản tháng 12/2018 tăng 0,09% so với tháng 11/2018 và tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2017. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2018 tăng 1,48% so với bình quân năm 2017./.

Văn phòng Sở

Các tin khác

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai



 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KẾ HOẠCH - ĐẦU TƯ TỈNH ĐỒNG NAI

Giấy phép số: 160/GP-BC do Cục báo chí Bộ VHTT cấp ngày 15/6/2006.
Chịu trách nhiệm chính: Thạc sĩ Nguyễn Hữu Nguyên - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai. 
Địa chỉ: số 2 Nguyễn Văn Trị - Thanh Bình - Biên Hoà - Đồng Nai 
ĐT: 0251.3822505  - Email: skhdt@dongnai.gov.vn​