Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Chuyển đối số đồng hành và phát triển cùng tỉnh Đồng Nai
Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam 09-11
BÁO CÁO TÓM TẮT Tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm 2022 của tỉnh Đồng Nai. (Tài liệu phục vụ họp Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh ngày 05-7-2022)

 

Kết quả thực hiện tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 và các nhiệm vụ phục hồi phát triển kinh tế của tỉnh như sau:

 

I. Tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm

Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường; tình hình dịch Covid-19 mặc dù đã được kiểm soát nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội của cả nước nói chung, tỉnh Đồng Nai nói riêng. Trong bối cảnh đó, Tỉnh Đồng Nai đã chủ động nắm tình hình, nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy về công tác phòng chống dịch và phục hồi kinh tế, cùng với đó là sự đóng góp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, niềm tin của người dân tạo nên động lực để khôi phục và phát triển kinh tế theo mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, cụ thể như sau:

1. Kinh tế:

- Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2022 của tỉnh tăng cao hơn so với mức tăng 6 tháng đầu năm 2021, cụ thể: tổng sản phẩm quốc nội (GRDP) trên địa bàn tỉnh dự ước tăng 7,06% so cùng kỳ năm 2021 (6 tháng năm 2021 tăng 5,99%). Trong mức tăng trưởng chung của tỉnh, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 7,24%; khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 4,19%; khu vực dịch vụ tăng 8,11%; thuế sản phẩm tăng 6,22% (mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm của cả nước tăng 6,42%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 3,82%; Bình Dương tăng 6,84%, Bà rịa Vũng tàu tăng 7,62%).

- Về sản xuất công nghiệp: sản xuất công nghiệp có tín hiệu phục hồi nhanh, các ngành sản xuất ổn định, xu hướng phát triển tích cực, nhất là một số ngành sản xuất chủ lực giữ vai trò quan trọng, tiếp tục là “lực kéo” cho tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm tăng 7,18% so cùng kỳ.

- Về sản xuất nông nghiệp: Tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tương đối thuận lợi, các địa phương tập trung thu hoạch vụ đông xuân và tiến hành gieo trồng lúa hè thu. Các hoạt động sản xuất, lưu thông, vận chuyển hàng hóa nông sản cơ bản được khôi phục hoàn toàn, các mặt hàng nông sản có thị trường tiêu thụ và giá bán ổn định. Hoạt động chăn nuôi phát triển ổn định, dịch bệnh trên đối tượng vật nuôi được kiểm soát tốt, tổng đàn gia súc hiện có trên địa bàn tỉnh khoảng 2.790.448 con, tăng 8,37% so cùng kỳ, trong đó tổng đàn Heo (không tính heo con chưa tách mẹ) khoảng 2,7 triệu con, tăng 8,66% so cùng kỳ. Tổng đàn gia cầm hiện có là 27.193,27 ngàn con, tăng 2,83% so cùng kỳ.

Dự ước giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản (giá SS 2010) 6 tháng đầu năm 2022 đạt 22.793,1 tỷ đồng, tăng 4,32% so cùng kỳ. Trong đó: Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 20.770,4 tỷ đồng, tăng 4,37% (trồng trọt tăng 2,49%; chăn nuôi tăng 5,46%; dịch vụ tăng 0,82%); Giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 794,7 tỷ đồng, tăng 1,52%; Giá trị sản xuất thủy sản đạt 1.228,1 tỷ đồng, tăng 5,38% so cùng kỳ.

- Tình hình giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 (tính đến ngày 24/6/2022): Tổng nguồn vốn đầu công trên địa bàn tỉnh năm 2022 là 13.524,25 tỷ đồng, giải ngân đến ngày 24/6/2022 là 3.427,971 tỷ đồng đạt 25,35% kế hoạch; trong đó: nguồn vốn ngân sách Trung ương (vốn trong nước) giải ngân khoảng 1.004,17 tỷ đồng, đạt 21,93% kế hoạch; nguồn vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương, giải ngân khoảng 2.357,728 tỷ đồng, đạt 27,1% kế hoạch. Riêng dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Lũy kế giải ngân đạt 68,34% kế hoạch.

- Mặc dù bị ảnh hưởng của tình hình thế giới bất ổn giữa Nga và Ukraina, giá xăng dầu và nguyên vật liệu sản xuất tăng cao nhưng tình hình xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trên thị trường thế giới vẫn đang tăng, một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao như: cà phê, cao su, hàng dệt may, giày dép, linh kiện điện tử,…, kết quả 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 13.244,3 triệu USD, tăng 13,02% so cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu đạt 10.094,6 triệu USD, tăng 4,25% so cùng kỳ; giá trị xuất siêu trên địa bàn tỉnh đạt 3.149,7 triệu USD.

- Thu, chi ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2022 

+ Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 35.433,3 tỷ đồng, đạt 64% so với dự toán và bằng 91% so với cùng kỳ. Trong đó: Thu nội địa ước thực hiện là 23.013,3 tỷ đồng, đạt 59% so với dự toán và bằng 81% so với cùng kỳ (Nếu loại trừ thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết thì thu nội địa là 19.015,6 tỷ đồng, đạt 55% so với dự toán và tăng 81% so với cùng kỳ); Thu lĩnh vực xuất nhập khẩu ước thực hiện 6 tháng là 12.420 tỷ đồng, đạt 75% so với dự toán và tăng 22% so với cùng kỳ. 

+ Tổng chi ngân sách địa phương là 8.417,5tỷ đồng, đạt 36% so với dự toán và tăng 79% so với cùng kỳ. Trong đó: Chi đầu tư phát triển là 2.419,4 tỷ đồng, đạt 28% so với dự toán và tăng 27% so với cùng kỳ; Chi thường xuyên là 5.909,4 tỷ đồng, đạt 44% so với dự toán và tăng 10% so với cùng kỳ.

- Thu hút đầu tư trong nước cấp mới 05 dự án trong khu công nghiệp với tổng vốn đăng ký là 278,4 tỷ đồng (so với cùng kỳ năm 2021, bằng 22,72% về số dự án và bằng 2,76% về vốn đăng ký cấp mới). Lũy kế đến ngày 30/6/2022, số dự án còn hiệu lực là 1.070 dự án với số vốn 303.391,6 tỷ đồng. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cấp mới 15 dự án với tổng vốn đăng ký 144,04 triệu USD (so với cùng kỳ năm 2021 bằng 54% về số dự án và bằng 52% về vốn đăng ký cấp mới). Lũy kế đến ngày 30/6/2022, số dự án còn hiệu lực là 1.552 dự án với số vốn là 32,53 tỷ USD. 

- Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 2.323 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký khoảng 13.738,5 tỷ đồng (so với cùng kỳ năm 2021, tăng 19,87% về số lượng doanh nghiệp thành lập mới và bằng 31,29% về số vốn thành lập mới).

- Về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã: có 10  Hợp tác xã (HTX) đăng ký thành lập mới, trong đó: có 06 HTX dịch vụ nông nghiệp, 02 HTX dịch vụ vận tải, 02 HTX vệ sinh môi trường).

- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2022 đạt 55.783,4 tỷ đồng, tăng 14,35% so cùng kỳ, trong đó: vốn khu vực nhà nước đạt 4.202,6 tỷ đồng, giảm 17,72%; vốn ngoài nhà nước đạt 26.173,1 tỷ đồng, tăng 12,85%; vốn đầu tư nước ngoài đạt 25.407,7 tỷ đồng, tăng 24,04% so cùng kỳ.

- Về công tác lập quy hoạch xây dựng: đối với quy hoạch Vùng huyện Long Thành, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng tham mưu Kế hoạch tổ chức Hội nghị thảo luận lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, các Hội nghề nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư bất động sản…, đối với quy hoạch chung đô thị, UBND tỉnh đã gửi Bộ Xây dựng thẩm định Báo cáo hồ sơ nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng thành phố Biên Hòa; quy hoạch chung đô thị Trảng Bom; đối với 02 đô thị còn lại (Đô thị huyện Long Thành và Đô thị mới Nhơn Trạch), UBND tỉnh sẽ báo cáo Bộ Xây dựng thẩm định trong quý III/2022. 

- Công tác lập Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: Tỉnh Đồng Nai đã Tổ chức lễ lý kết Hợp đồng tư vấn Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 giữa ba bên bao gồm Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công ty CP Công nghệ - Viễn thông Sài Gòn (Nhà tài trợ) và  Công ty TNHH Roland Berger, hợp đồng ký kết thể hiện một số nội dung liên quan đến tiến độ, lộ trình, thời gian, kinh phí thực hiện lập quy hoạch.

- Công tác quản lý đất đai, tài nguyên môi trường được tập trung thực hiện: tỉnh đã phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 các huyện, thành phố Biên Hòa và thành phố Long Khánh; hướng dẫn các địa phương xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án trên địa bàn; tiếp tục xử lý những vấn đề còn tồn tại trong phương án quản lý khai thác đất công và đất nông, lâm trường. Đối với dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, đến nay UBND tỉnh Đồng Nai đã bàn giao mặt bằng với tổng diện tích 2.398,42ha/2.532ha, đạt 94,72%.

- Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả: UBND tỉnh ban hành Quyết định công nhận 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 69/120 xã nông thôn mới nâng cao, 09 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 11 khu dân cư kiểu mẫu được công nhận.

2. Về văn hóa – xã hội; Quốc phòng – an ninh:

Các lĩnh vực văn hóa xã hội, chính sách, an sinh xã hội tiếp tục được triển khai đồng bộ, trong 6 tháng đầu năm 2022 tỉnh đã giải quyết việc làm cho khoảng 43.954 lượt người; ban hành quyết định cho 29.676 người hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 25,5% so với cùng kỳ; tư vấn giới thiệu việc làm cho số lao động thất nghiệp khoảng 34.046 lượt người, tăng 22,8% so với cùng kỳ; hỗ trợ học nghề cho 480 người; chi trả trợ cấp cho khoảng 12.738 chế độ hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; ban hành các Chỉ thị về tăng cường công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em và Chỉ thị về việc tăng cường các giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch covid - 19 trên địa bàn tỉnh. 

Đối với triển khai thực hiện Chương trình phát triển nhà ở, các dự án cấp nước sạch đô thị và nông thôn: Tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án cấp nước sạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch thực hiện đảm bảo cấp nước an toàn Khu vực nông thôn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025; Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Đồng thời, chỉ đạo tiếp tục theo dõi, đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng mới 05 công trình cấp nước tập trung và lập hồ sơ, thủ tục đầu tư xây dựng 11 công trình (giai đoạn chuẩn bị dự án) và Hướng dẫn UBND các địa phương Biên Hòa, Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom lập hồ sơ chủ trương đầu tư 10 khu đất nhà ở xã hội. Kết quả, dự ước trong 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ dân số đô thị sử dụng nước sạch theo chuẩn QC02 đạt 86,3%; tỷ lệ dân số ở nông thôn sử dụng nước sạch theo chuẩn QC02 đạt 82,23%; hoàn thành 100 căn nhà ở xã hội.

UBND tỉnh chỉ đạo ngành Giáo dục tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục các bậc học, hoàn thành nhiệm vụ năm học 2021-2022 và chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới 2022-2023; hỗ trợ cho các phòng giáo dục và các trường TH, THCS trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở khối lớp 2, lớp 6 và theo dõi các trường tổ chức dạy học trực tiếp đảm bảo phòng chống dịch COVID-19; chuẩn bị các điều kiện để tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2022-2023 và kỳ thi trung học phổ thông năm 2022 cấp tỉnh.

Công tác tư pháp, thanh tra, tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục được các ngành quan tâm thực hiện theo quy định, thực hiện công khai minh bạch trên lĩnh vực hoạt động của địa phương, đơn vị theo quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng.

Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, số vụ phạm pháp hình sự giảm, tỷ lệ khám phá các vụ án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt khá; tai nạn giao thông được kiềm giảm cả 03 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2021 (về số vụ, về số người chết và số người bị thương).

3. Chương trình phục hồi phát triển kinh tế của tỉnh: 

- Thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh: luỹ kế đến ngày 30/6/2022, đã thực hiện hỗ trợ cho 2.519 khách hàng vay với số tiền 131,5 tỷ đồng, đã giải ngân đạt 69,3% (Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì mở rộng việc làm từ nguồn vốn ngân hàng chính sách xã hội huy động, Cho vay Chương trình nhà ở xã hội, Cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ  học tập trực tuyến; Chương trình đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập).

- Về miễn giảm thuế, phí, lệ phí; gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất trong năm 2022: Tính đến ngày 30/6/2022, Cục Thuế tỉnh Đồng Nai đã tiếp nhận và giải quyết giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ cho 2.867 doanh nghiệp với số tiền thuế Giá trị Gia tăng được giảm trên 1.343 tỷ đồng. Giảm 30% tiền thuê đất của năm 2022 đối với tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, gia đình cá nhân đang được nhà nước cho thuê đất trực tiếp phải ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch bệnh covid-19 theo quy định, giảm 7,7 tỷ đồng.

- Về chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động (Theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ): Tính đến ngày 01/07/2022, UBND các huyện, thành phố đã phê duyệt hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động của  463 doanh nghiệp với 45.563 lao động, tổng số tiền hỗ trợ là 67,437 tỷ đồng. 

II. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Những điểm nổi bật kinh tế tỉnh Đồng Nai 6 tháng đầu năm 2022:

Một là, Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2022 tăng 7,02% (6 tháng năm 2021 tăng 5,99%), . Đạt được mức tăng trưởng kinh tế như trên đã khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ, Tỉnh uỷ trong những tháng đầu năm. Đồng thời, đây được xem là mức tăng trưởng tốt, là tiền đề tốt để tỉnh từng bước khôi phục và phát triển kinh tế trong những tháng cuối năm.

Hai là, các ngành, lĩnh vực chủ yếu tiếp tục tăng trưởng tốt: sản xuất công nghiệp có tín hiệu phục hồi nhanh, các ngành sản xuất ổn định, xu hướng phát triển tích cực, nhất là một số ngành sản xuất chủ lực giữ vai trò quan trọng, tiếp tục là “lực kéo” cho tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp; Sản xuất nông nghiệp diễn ra trong điều kiện thời tiết thuận lợi, giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp tăng so với cùng kỳ. Dự ước 6 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ 2021: chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,18; giá trị  sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 4,32%.

Ba là, hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ đang từng bước phục hồi và có nhiều khởi sắc, nhu cầu vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất tăng, nhu cầu du lịch, đi lại của người dân tăng mạnh. So với cùng kỳ năm 2021: Doanh thu vận tải, dịch vụ kho bãi, hỗ trợ vận tải tăng 14,51%, daonh thu du lịch tăng 27,8%...

Bốn là; tình hình xuất nhập khẩu có nhiều tín hiệu khả quan, một số nhóm hàng như: cà phê, cao su, hàng dệt may, giày dép, linh kiện điện tử,… có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao, góp phần tạo giá trị xuất siêu khá trong hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh. Dự ước cán cân xuất nhập khẩu của tỉnh 6 tháng đầu năm đạt khoảng 3,15 tỷ USD. 

Năm là, tiến độ thu ngân sách nhà nước đạt khá, đạt khoảng 64% so với dự toán giao đầu năm, trong đó thu nội địa đạt khoảng 59% dự toán năm. Công tác chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công được tập trung thực hiện, tỉnh đã thành lập Tổ công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Sáu là, Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, số doanh nghiệp thành lập mới 2.323 doanh nghiệp; thu hút mới 5 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 278,4 tỷ đồng; thu hút đầu tư nước ngoài 15 dự án với tổng vốn đăng ký 144,037 triệu USD. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021, Đồng Nai đạt 65,75 điểm, xếp hạng 22/63 tỉnh thành, xếp hạng khá.

Bảy là, công tác văn hoá, xã hội, giáo dục đào tạo, được các ngành, địa phương triển khai hiệu quả: hoạt động thông tin, tuyên truyền, văn hóa, nghệ thuật, thể thao, du lịch diễn ra sôi động, phong phú; dịch bệnh Covid-19 tiếp tục được kiểm soát tốt, số ca mắc mới, số ca nặng giảm. Đã hoàn thành tiêm trên 7,8 triệu triệu liều vắc-xin cho người dân từ 5 tuổi trở lên, trong đó tỷ lệ bao phủ vắc xin COVID-19 đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng từ 05 tuổi trở lên: Mũi 1: 109,54% ; Mũi 2: 102,13%; Mũi 3: 54,34%; Mũi 4: 4,80%; bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời và ngày càng chủ động hơn thuốc điều trị Covid-19. Công tác an sinh xã hội được triển khai tích cực, đời sống người dân được đảm bảo, các chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp, học sinh, sinh viên và người dân theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế được các ngành, địa phương tâp trung, nỗ lực thực hiện, bước đầu phát huy hiệu quả.

Tám là, Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, số vụ phạm pháp hình sự giảm, tỷ lệ khám phá các vụ án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt khá; Công tác bảo đảm, trật tự an toàn giao thông được kiềm chế kéo giảm về số vụ, số người chết, số người bị thương so với cùng kỳ.

2. Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn, hạn chế: 

Tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường; giá dầu thô và nhiều loại hàng hóa cơ bản khác có xu hướng tăng cao…đã tác động đến giá xăng dầu, nguyên vật liệu phục vụ cho tiêu dùng, sản xuất trong nước liên tiếp tăng, trong đó có tỉnh Đồng Nai, tiềm ẩn nguy cơ thiếu hụt cục bộ xăng dầu, đồng thời làm tăng chi phí sản xuất, vận tải, logistics… của các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh, cụ thể: như các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu đồ gỗ mặc dù nhận được nhiều đơn hàng, nhưng việc sản xuất lại gặp trở ngại khi giá gỗ nguyên liệu, phụ kiện phục vụ sản xuất cũng liên tục tăng. Đối với ngành chế biến thức ăn gia súc, gia cầm nguyên liệu nhập khẩu tăng cao làm cho giá thành sản phẩm tăng dẫn đến giá tiêu thụ sản phẩm tăng đã gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm; các mặt hàng sắt, thép giá vẫn liên tục ở mức cao cũng đang là khó khăn cho các ngành sản xuất liên quan.

Công tác thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài đạt thấp so với cùng kỳ; tiến độ lập quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng, đặc biệt là quy hoạch chung đô thị và quy hoạch vùng còn chậm so với kế hoạch đề ra. 

Việc triển khai quy định Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh còn gặp khó khăn, do nhiều Bộ, ngành Trung ương chậm công bố chỉ tiêu cũng như hướng dẫn thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí. 

Công tác quản lý nhà nước về phòng, chống tệ nạn xã hội gặp nhiều khó khăn, trong việc triển khai thực hiện các quy định của Chính phủ, cụ thể: các địa phương còn lúng túng trong công tác lập hồ sơ xác định tình trạng nghiện ma túy và tình trạng cư trú; việc triển khai quy trình, mức đóng góp, mức hỗ trợ hỗ trợ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng chưa có hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương. 

Tình hình trẻ em bị tử vong do đuối nước tăng so với cùng kỳ năm 2021 (3 trường hợp). Nguyên nhân là do môi trường sống xung quanh của trẻ vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đặc biệt là thiếu sự quan tâm, giám sát của phụ huynh và người chăm sóc trẻ em.

Số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần trên địa bàn tỉnh đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là sau khi bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Vẫn còn tình trạng tự ý phân lô bán nền, sử dụng đất không đúng mục đích, không tuân thủ theo quy hoạch đã được phê duyệt; việc rà soát, xử lý các tồn tại liên quan đến đất nông, lâm trường, đất quốc phòng, đặc biệt là lập phương án sử dụng đất đối với các khu đất thu hồi bàn giao địa phương quản lý thực hiện còn chậm. 

Việc triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được các Sở, ngành, UBND các huyện và các đơn vị của tỉnh tâp trung, nỗ lực thực hiện, bước đầu phát huy hiệu quả. Tuy nhiên việc triển khai một số nhiệm vụ liên quan đến thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân còn chậm, chưa đảm bảo yêu cầu của Chương trình. 

 III. Một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2022

Trước diễn biến tình hình trong nước và quốc tế, việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022, nhất là mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6,5-7,0%; để sớm khắc phục những khó khăn, thách thức và đồng thời đẩy nhanh thời gian phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong 6 tháng cuối năm 2022. Tỉnh Đồng Nai cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau: 

1. Tiếp tục tập trung ưu tiên cao nhất các nhiệm vụ, giải pháp cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, như: thành lập Tiểu ban phục hồi kinh tế; phát huy hiệu quả Tổ công tác về thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, trong đó chú trọng việc thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công; kịp thời nắm bắt và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân.

2. Đẩy nhanh công tác đàm phán với đơn vị tư vấn về tiến độ lập quy hoạch, đảm bảo hoàn thành tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 64/NQ-CP ngày 6 tháng 5 năm 2022 của Chính phủ về thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành và một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030; về việc hoàn thiện thủ tục, hồ sơ trình một số dự án Luật. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ triển khai dự án Khu đô thị thương mại dịch vụ Biên Hoà 1. 

3. Tiếp tục thực hiện tốt công tác đăng ký doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, công tác thu hút các dự án có vốn đầu tư trong nước và nước ngoài, trong đó chú trọng tập trung công tác rà soát phân nhóm, xác định các khó khăn, vướng mắc chung, vướng mắc của riêng từng dự án, để lập phương án tháo gỡ cụ thể.

4.  Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ triển khai 5 dự án cao tốc qua địa bàn: mở rộng cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, cao tốc Bến Lức – Long Thành và cao tốc Dầu Giây - Liên Khương; đề xuất cơ chế triển khai dự án vành Đai 3, Vành đai 4; đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1 để đảm bảo hệ thống giao thông đồng bộ, kết nối vùng và đặc biệt tập trung triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành đảm bảo hoàn thành trong năm 2022.

5. Theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả; tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá ( xăng dầu, vật liệu xây dựng, sách giáo khoa, dịch vụ khám chữa bệnh…); tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá. Đối với các mặt hàng (vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp, giá cước vận tải…) tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tạo thuận lợi cho quá trình lưu thông, phân phối hàng hoá, dịch vụ. 

6. Tập trung đẩy mạnh thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine bảo đảm an toàn, khoa học, kịp thời, hiệu quả, nhất là tiêm vaccine cho trẻ em. Chủ động theo dõi và có biện pháp phòng ngừa đối với các dịch bệnh theo mùa (sốt xuất huyết, sốt rét, tay chân miệng...) và các dịch bệnh mới phát sinh (đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính ở trẻ em). 

7. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội: chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến; mở rộng chính sách tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số; tích cực hơn nữa trong việc đẩy nhanh thực hiện Kế hoạch phát triển nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội năm 2022 và triển khai Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động; đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức, người sử dụng lao động, người lao động trên địa bàn tỉnh thực hiện đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được kịp thời, đảm bảo quy định. 

Phòng Tổng hợp, Quy hoạch.​  

 
 

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai



 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KẾ HOẠCH - ĐẦU TƯ TỈNH ĐỒNG NAI

Giấy phép số: 160/GP-BC do Cục báo chí Bộ VHTT cấp ngày 15/6/2006.
Chịu trách nhiệm chính: Thạc sĩ Nguyễn Hữu Nguyên - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai. 
Địa chỉ: số 2 Nguyễn Văn Trị - Thanh Bình - Biên Hoà - Đồng Nai 
ĐT: 0251.3822505  - Email: skhdt@dongnai.gov.vn​