Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Chuyển đối số đồng hành và phát triển cùng tỉnh Đồng Nai
Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam 09-11
BÁO CÁO TÓM TẮT Tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 09 tháng năm 2021 tỉnh Đồng Nai

 ​PHẦN 1: KẾT QUẢ THỰC HIỆN 9 THÁNG ĐẦU NĂM 2021; ƯỚC THỰC HIỆN NĂM 2021
 

I. Tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 9 tháng đầu năm 2021:

   Cùng với các giải pháp của Chính phủ tại Nghị quyết 01/NQ-CP, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 21/01/2021 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Trong 9 tháng đầu năm 2021, Dịch Covid-19 đã tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội cả nước nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng, kinh tế tỉnh tăng trưởng chậm, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục gặp khó khăn. Lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo, giao thông vận tải, du lịch bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh. Theo Tổng cục Thống kê, GRDP tỉnh Đồng Nai 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5,74%, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự ước GRDP cả năm 2021 của 5 tỉnh thành bị ảnh hưởng nặng bởi dịch covid-19 gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ có mức tăng trưởng kinh tế âm và dự kiến dịch Covid-19 còn ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế trong những năm tiếp theo. Tình hình kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh 9 tháng năm 2021 như sau: 

   1. Kinh tế: 

   - Về sản xuất công nghiệp: dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Một số doanh nghiệp tạm thời cho công nhân nghỉ một thời gian để phòng chống dịch, một số doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ” nhưng không đảm bảo điều kiện phải ngừng sản xuất, ngoài ra doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc cung ứng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm; ước chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng tăng 2,91% so cùng kỳ năm 2020, đây là mức tăng thấp nhất trong những năm gần đây.

    - Về sản xuất nông nghiệp: 

   + Trồng trọt: tình hình sản xuất cây hàng năm tương đối thuận lợi, cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt; tính đến ngày 15/9/2021 diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 142.439 ha, bằng 98,51% so cùng kỳ. Tuy nhiên do ảnh hưởng dịch Covid 19 nên sản lượng nông sản tiêu thụ tại chợ đầu mối giảm, hệ thống chợ truyền thống đóng cửa, sản phẩm không xuất khẩu được; một số chợ đầu mối vẫn tiếp nhận và phân phối sản lượng nông nghiệp, nhưng khối lượng chỉ đạt khoảng 50% so với trước khi xảy ra dịch.

   + Chăn nuôi: ngành chăn nuôi phát triển cơ bản ổn định, dịch bệnh trên đối tượng vật nuôi được kiểm soát tốt. Chăn nuôi tiếp tục phát triển theo hướng chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại quy mô lớn, gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tổng đàn gia súc trên địa bàn đến tháng 9/2021 khoảng 2,48 triệu con, trong đó tổng đàn heo khoảng 2,39 triệu con (không tính heo con chưa tách mẹ); tổng đàn gà khoảng 23,6 triệu con.

   - Tình hình giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2021:

   Tính đến ngày 18/9/2021, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch 2021 đối với nguồn vốn ngân sách địa phương đạt 39,37% (trong đó ngân sách tỉnh đạt 32,86% kế hoạch, ngân sách huyện đạt 48,21% kế hoạch); đối với nguồn ngân sách Trung ương là 17,93% (trong đó nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ (đầu tư dự án quan trọng quốc gia), giải ngân là 885,61 tỷ đồng, đạt 19% kế hoạch).

   - Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng ước đạt 16,3 tỷ USD, tăng 21,02% so cùng kỳ (mức tăng này chủ yếu là 6 tháng đầu năm 2021 xuất khẩu tăng cao, tăng 34,17% so cùng kỳ). Kim ngạch nhập khẩu 9 tháng ước đạt 14,3 tỷ USD, tăng 37,96% so cùng kỳ. Cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 2 tỷ USD.

   - Từ đầu năm đến ngày 23/9/2021, thu hút đầu tư trong nước (đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư, chủ trương đầu tư và điều chỉnh tăng vốn) là 13.600,9 tỷ đồng, bằng 53% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2020 đạt 25.663,5 tỷ đồng). Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt khoảng 991,2 triệu USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2020 đạt 896,9 triệu USD). Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 2.160 doanh nghiệp (so với cùng kỳ năm 2020, bằng 78,66% số lượng doanh nghiệp) với số vốn đăng ký là 45.708 tỷ đồng.

   - Thu, chi ngân sách Nhà nước: tính đến ngày 20/9/2021, tổng thu ngân sách nhà nước là 48.515,9 tỷ đồng, đạt 103% dự toán điều chỉnh và tăng 24% so cùng kỳ; kết quả trên đạt được do nhiều nguyên nhân, trong đó bao gồm khoản thu đột biến do các hoạt động chuyển nhượng bất động sản đã góp phần tăng thu ngân sách nhà nước là 8.967 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách địa phương là 11.738 tỷ đồng, đạt 49% so với dự toán điều chỉnh và bằng 97% so với cùng kỳ.

   - Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả: UBND tỉnh ban hành quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 51/120 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

  - Về quy hoạch - xây dựng: Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản số 111/TTg-CN ngày 28/01/2021 chấp thuận đưa Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (335 ha), thành phố Biên Hòa ra khỏi Quy hoạch phát triển các Khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2020.

   - Triển khai việc lập quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: sau khi dự toán Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu Lập Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

   - Công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường: Thực hiện lập quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất năm 2021 cấp huyện. Thực hiện kiểm tra giám sát tiến độ đầu tư các công trình, hạng mục xử lý chất thải tại các khu xử lý chất thải, yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng thời gian đã cam kết. 

   2. Xã hội:

   Các lĩnh vực văn hóa, chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho nhân dân trong bối cảnh dịch Covid-19 được triển khai đồng bộ, không để một ai bị thiếu lương thực, thực phẩm. Tỉnh đã giải ngân số tiền 317 tỷ đồng hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ; hỗ trợ cho 807 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay mới với số tiền 38,974 tỷ đồng.

   Sau hơn 3 tháng giãn cách xã hội với nhiều mức độ kể từ ngày 31/5/2021, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Tính đến ngày 26/9/2021, tỉnh có 46.332 ca bệnh, có hơn 24.532 ca đã điều trị khỏi và 432 ca tử vong. Mặc dù đang gặp phải nhiều khó khăn, song hoạt động phòng, chống dịch ở tỉnh Đồng Nai cũng đạt được một số kết quả tích cực, trong đó quan trọng nhất là về tiêm chủng vắc xin. Đến nay tỉnh đã tiêm 1.934.744 liều vắc xin COVID-19 cho 1.775.627 người (chiếm tỉ lệ 78,77% đối tượng trên 18 tuổi toàn tỉnh), trong đó có 159.117 người đã tiêm đủ liều (chiếm tỉ lệ 7,06%), đây cũng là yếu tố quan trọng để hướng đến mục tiêu kiểm soát được dịch bệnh, ổn định đời sống xã hội, phục hồi kinh tế trong trạng thái bình thường mới.

   3. Về an ninh – trật tự: tăng cường công tác quốc phòng an ninh trên địa bàn, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

   II. Các nhiệm vụ chủ yếu thực hiện trong những tháng cuối năm 2021

   Trong những tháng cuối năm để kích thích tăng trưởng, phục hồi nhanh và thúc đẩy phát triển kinh tế, tỉnh Đồng Nai cần tập trung cao độ; nghiêm túc, quyết liệt, khẩn trương, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các giải pháp đề ra tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, như các Nghị quyết số: Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021; Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021, Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021, Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ:

   - Tiếp tục tập trung ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; từng bước phục hồi các hoạt động kinh tế xã hội, đảm bảo công tác phòng, chống dịch covid-19 trong tình hình mới theo kế hoạch số 11102/KH-UBND ngày 15/9/2021 của UBND tỉnh.

   - Tập trung thu hút vốn đầu tư toàn xã hội. Đặc biệt, ưu tiên bố trí nguồn vốn cho các công trình giao thông kết nối vùng, giao thông nông thôn, đô thị phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Với phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân”, trên cơ sở kiên trì, quyết liệt thực hiện cơ cấu đầu tư công có hiệu quả tập trung vào các công trình, dự án động lực có tính lan tỏa cao.

   - Tiếp tục thực hiện tốt việc giải tỏa, bồi thường, tái định cư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các địa phương triển khai đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng các dự án trọng điểm trên địa bàn, chuẩn bị các nguồn lực để khai thác tốt lợi thế mới, động lực mới khi các dự án này đi vào khai thác. 

  - Tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà cho công nhân thuê tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

   - Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người dân, người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh kết nối cung cầu thị trường lao động, bảo đảm không thiếu hụt lao động khi nền kinh tế được phục hồi.

III. DỰ KIẾN THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU NGHỊ QUYẾT 02-NQ/TU NGÀY 21/01/2021 CỦA TỈNH ỦY NĂM 2021

   Trên cơ sở mục tiêu, giải pháp thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2021 đã được đề ra theo Nghị quyết Tỉnh ủy và tình hình thực hiện 9 tháng đầu năm 2021; dự kiến năm 2021, có:

   + 03 chỉ tiêu chính vượt mục tiêu Nghị quyết (Kim ngạch xuất khẩu; Tổng thu Ngân sách; Số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm); 02 chỉ tiêu thành phần vượt mục tiêu Nghị quyết (tỷ lệ cai nghiện ma túy tập trung, tỷ lệ cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng).

  + 03 chỉ tiêu không đạt mục tiêu Nghị quyết (Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP), GRDP bình quân đầu người, tổng vốn đầu tư phát triển triển toàn xã hội). 

   + 16 chỉ tiêu đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra.

   + 2 chỉ tiêu Tỷ lệ thiết chế văn hóa cấp huyện và cấp xã hoạt động hiệu quả và Tỷ lệ nhà văn hóa ấp (khu phố) hoạt động hiệu quả không có cơ sở đánh giá; do tình hình dịch bệnh Covid 19, các hoạt động tụ tập đông người không được tổ chức nên không đánh giá hiệu quả hoạt động của 2 chỉ tiêu này.

 (đính kèm Phụ lục đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết)

   PHẦN 2: ĐỀ XUẤT CÁC CHỈ TIÊU KINH TẾ XÃ HỘI NĂM 2022

I. Dự báo bối cảnh thế giới, trong nước, trong tỉnh

   Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 xây dựng trong bối cảnh khó khăn và thuận lợi đan xen, ảnh hưởng tác động nặng nề của dịch Covid-19. Kinh tế và thương mại toàn cầu dự báo tiếp tục phục hồi nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức. Cạnh tranh chiến lược, căng thẳng thương mại giữa các nước diễn biến phức tạp. Thiên tai, dịch bệnh ngày càng gia tăng về cả tác động và cường độ... Tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư vừa là thời cơ, vừa là thách thức. Trong nước, tình hình chính trị - xã hội và kinh tế vĩ mô ổn định; niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và người dân ngày càng tăng lên,... Tuy nhiên, nền kinh tế tiếp tục đối mặt rất nhiều khó khăn, thách thức đến từ những yếu kém nội tại của nền kinh tế do chưa hoặc chậm được khắc phục cũng như về già hóa dân số, chênh lệch giàu nghèo, thiên tai, dịch bệnh (đặc biệt là dịch Covid-19), biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn,...

   Trong tỉnh Đồng Nai những thành tựu về phát triển kinh tế xã hội trong các năm qua là tiền đề hết sức quan trọng cho sự phát triển ở những năm tiếp theo. Việc tập trung triển khai xây dựng các dự án quan trọng cấp quốc gia như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cao tốc Dầu Giây- Phan Thiết và các dự án giao thông liên kết vùng đang triển khai trên địa bàn sẽ mang lại nhiều động lực, cơ hội thúc đẩy phát triển và chuyển đổi cơ cấu kinh tế - xã hội của tỉnh. Song Đồng Nai cũng đang đối mặt với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, tác động mạnh mẽ đến sức khỏe, đời sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

II. Mục tiêu tổng quát năm 2022

   Thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế. Tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ đột phá; các giải pháp nâng cao chất lượng thu hút đầu tư và hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài tại địa phương; đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của dịch bệnh covid-19. Thực hiện tốt chủ trương phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo đời sống nhân dân. Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tăng cường phòng chống thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Tiếp tục tập trung xây dựng bộ máy các cơ quan nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; ổn định chính trị và an toàn, an ninh trên địa bàn.

III. Dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2022

   1. Các chỉ tiêu kinh tế:

   - Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng khoảng 6,5-7% so với năm 2021.

  - GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 132,9-133,5 triệu đồng/người.

  - Kim ngạch xuất khẩu năm 2022 tăng khoảng 8,0-8,5% so với năm 2021.

  - Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2022 khoảng 100,07 ngàn tỷ đồng.

  - Tổng thu ngân sách đạt dự toán được giao (khoảng 53.241 tỷ đồng).

  - Phấn đấu trong năm 2022, có ít nhất 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

   2. Các chỉ tiêu về môi trường:

   - Thu gom và xử lý 100% chất thải y tế, 100% chất thải nguy hại, 100% chất thải công nghiệp không nguy hại, 100% chất thải rắn sinh hoạt.

  - 100% các khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn có có trạm xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn môi trường; 100% khu công nghiệp có nước thải ổn định được lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động.

  - Tỷ lệ che phủ cây xanh đạt 52%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 28,3%.

   3. Các chỉ tiêu về an sinh -xã hội:

   - Giảm 17% hộ nghèo A trên tổng số hộ nghèo A.

   - Tỷ lệ lao động không có việc làm khu vực đô thị ở mức 2,4%.

   - Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cân nặng theo độ tuổi giảm còn 7,8%

   - Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng chiều cao theo độ tuổi giảm còn 21,5%

   - Số Bác sỹ trên 1 vạn dân là 9,1 Bác sỹ; Số giường bệnh trên 1 vạn dân đạt 30 giường.

   - Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 92%.

  - Tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch đạt chuẩn QC02: dân số tại đô thị đạt trên 87%, dân số tại nông thôn đạt 82,5%.

   - Phấn đấu tỷ lệ cai nghiện ma túy tập trung đạt 7,5%; tỷ lệ cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng đạt 11%; tỷ lệ cai nghiện ma túy tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy đạt 6,5%.

   4. Các chỉ tiêu về văn hóa, giáo dục và đào tạo:

   - Tỷ lệ ấp (khu phố) đạt chuẩn văn hóa đạt trên 90%; tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa trên 90%; tỷ lệ cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa trên 98%; tỷ lệ doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa trên 75%; 100% thiết chế văn hóa cấp huyện và cấp xã; 90% nhà văn hóa ấp (khu phố) hoạt động hiệu quả. 

   - Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 67%; Tỷ lệ tuyển sinh đào tạo từ trung cấp nghề trở lên trên tổng số người được tuyển sinh trong năm đạt 26%.

   5. Các chỉ tiêu về quốc phòng, trật tự an toàn xã hội:

   - Hoàn thành chỉ tiêu giao quân do Quân Khu giao.

   - Phấn đấu làm giảm ít nhất 5% số vụ phạm pháp hình sự so với năm 2021.

   - Phấn đấu xử lý trên 90% tin báo, tố giác tội phạm; Tỷ lệ điều tra, khám phá án hình sự đạt từ 75% trở lên, riêng án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng từ 90% trở lên.

   - Giảm ít nhất 5% số người chết do tai nạn giao thông gây ra so với năm 2021.

   - Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự được Tổng Cục Thi hành án dân sự giao trong năm 2022.

IV. Các nhiệm vụ chủ yếu năm 2022

   - Về phát triển kinh tế:

  + Thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế. 

  + Tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ đột phá; các giải pháp nâng cao chất lượng thu hút đầu tư và hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài tại địa phương.

 + Tập trung đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của Luật Quy hoạch; Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia trên địa bàn, các công trình trọng điểm của tỉnh và địa phương.

   - Về phát triển xã hội:

   Triển khai đồng bộ và hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án về giảm nghèo bền vững; thực hiện các chính sách giải quyết việc làm gắn với phát triển thị trường lao động; tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội đã được ban hành. Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

  - Tăng cường phòng chống thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

  - Tiếp tục tập trung xây dựng bộ máy các cơ quan nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

  - Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; ổn định chính trị và an toàn, an ninh trên địa bàn.

Phòng Tổng hợp, Quy hoạch.​


 

Các tin khác

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai



 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KẾ HOẠCH - ĐẦU TƯ TỈNH ĐỒNG NAI

Giấy phép số: 160/GP-BC do Cục báo chí Bộ VHTT cấp ngày 15/6/2006.
Chịu trách nhiệm chính: Thạc sĩ Nguyễn Hữu Nguyên - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai. 
Địa chỉ: số 2 Nguyễn Văn Trị - Thanh Bình - Biên Hoà - Đồng Nai 
ĐT: 0251.3822505  - Email: skhdt@dongnai.gov.vn​