Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Đề án tổng
thể về chính sách cạnh tranh quốc gia nhằm đánh giá tổng thể hệ thống chính
sách có liên quan đến cạnh tranh để xác định đúng thực trạng và đề xuất các
giải pháp cải cách góp phần phát triển thị trường cạnh tranh, thúc đẩy, nâng
cao năng suất, hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo
hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Theo Dự thảo, mục tiêu của chính sách cạnh tranh là
thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các chủ thể của nền kinh tế nhằm đạt được
mục tiêu nâng cao hiệu quả và năng suất trong các loại thị trường để tăng năng
suất và hiệu quả kinh tế.
Qua hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã thực hiện tự do hóa và mở rộng thị
trường trong nước, kết hợp đồng thời với từng bước hội nhập kinh tế quốc tế sâu
rộng. Kết quả là các loại thị trường trong nền kinh tế ngày càng phát triển và
hoàn thiện. Nhiều cải cách quan trọng đã được thực hiện nhằm tăng cường mức độ
cạnh tranh của thị trường như xóa bỏ hoặc giảm thiểu nhiều rào cản hạn chế cạnh
tranh hoặc phản cạnh tranh; các lĩnh vực có tính độc quyền Nhà nước đã được thu
hẹp, giá cả phần lớn các loại hàng hóa, dịch vụ được tự do hóa đã phản ánh đúng
hơn quan hệ cung - cầu thị trường,… Những cải cách này đã góp phần tạo động lực
cho các chủ thể kinh doanh phát triển mạnh, góp phần tăng mức độ cạnh
tranh giữa các chủ thể trên thị trường.
Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam hiện nay vẫn kém năng động với tốc độ tăng
trưởng đang có chiều hướng suy giảm, chất lượng tăng trưởng cải thiện chậm,
năng suất lao động và tốc độ tăng năng suất lao động ở mức thấp; hiệu quả sử
dụng các nguồn lực xã hội không cao. Tốc độ tăng trưởng trung bình 7,6% của
giai đoạn 1990-2000 không còn duy trì được, đã giảm xuống còn 6,8% trong giai
đoạn 2001-2010, 5,91% cho giai đoạn 2011-2015 và năm 2016 ước đạt 6,21% và mục
tiêu tăng trưởng 6,5-7% cho giai đoạn 2016-2020 khó có thể đạt được. Nguyên
nhân cơ bản, xét về thể chế, là do vẫn còn tồn tại nhiều rào cản hạn chế cạnh
tranh; đồng thời, hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh vẫn còn phổ biến; quyền
tự do kinh doanh chưa được thực thi đầy đủ, môi trường đầu tư, kinh doanh chưa
thật sự thông thoáng, minh bạch, chưa bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng;
mức độ tham gia của Nhà nước vào các lĩnh vực hoạt động kinh tế còn khá lớn,
kiểm soát độc quyền chưa thực sự hiệu quả;…
Dự thảo Đề án tiếp cận về chính sách cạnh tranh theo một cách tổng thể, bao
gồm các chính sách, pháp luật về kiểm soát độc quyền, chống cạnh tranh không
lành mạnh và các chính sách phát triển thị trường, trong đó có quy định pháp
luật về gia nhập thị trường và kinh doanh nói chung và các hành động can thiệp
của Nhà nước nhằm giúp các doanh nghiệp cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng.
Theo đó, chính sách cạnh tranh tổng thể không chỉ là Luật cạnh tranh và thực
thi pháp luật cạnh tranh mà còn các luật pháp và chính sách khác về mở rộng,
phát triển và tự do hóa thị trường làm cho tất cả các loại thị trường ngày càng
cạnh tranh hơn, năng động và hiệu quả hơn.
Quan điểm của Dự thảo là phải ưu tiên chính sách cạnh tranh quốc gia như
một trụ cột quan trọng trong hệ thống thể chế kinh tế thị trường nước ta, coi
xây dựng và thi hành chính sách cạnh tranh là một nội dung ưu tiên hàng đầu
trong việc thực hiện các nghị quyết của Đảng và Chính phủ về xây dựng thể chế
kinh tế thị trường và đổi mới mô hình tăng trưởng.
Một chính sách cạnh tranh quốc gia toàn diện không chỉ là Luật cạnh tranh và
việc thi hành Luật này để hạn chế, kiểm soát các hành vi phản cạnh tranh mà
phải là tư duy về việc tích cực, chủ động tạo dựng một sân chơi bình đẳng cho
doanh nghiệp thuộc mọi loại hình, quy mô và lĩnh vực, tạo môi trường cạnh tranh
lành mạnh để nguồn lực quốc gia được sử dụng hiệu quả nhất và để doanh nghiệp
luôn có động lực đầu tư, đổi mới và sáng tạo. Đó là điều kiện tiên quyết cho sự
phát triển bền vững của nền kinh tế. Chính sách cạnh tranh phải đảm bảo hài hòa
hóa với các “luật chơi” mang tính quốc tế, không chỉ nhằm thiết lập một môi
trường kinh doanh lành mạnh, công bằng mà còn đảm bảo tạo môi trường đầu tư tin
cậy cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thời, cần thực hiện tốt vai
trò là cơ chế thiết lập, duy trì, bảo vệ cạnh tranh, góp phần thúc đẩy sự hình
thành các quan hệ thị trường cho đời sống kinh tế, hình thành cơ chế tự điều
chỉnh của thị trường,… bảo vệ quyền lợi của các bên có liên quan.
Dự thảo đưa ra các định hướng giải pháp chủ yếu cải cách tổng thể chính
sách cạnh tranh quốc gia như: Nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về cạnh tranh,
chính sách cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường. Đồng thời, đổi mới cách
thức quản lý Nhà nước theo hướng tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi cho
người dân và doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng. Xác định
đúng vai trò của Nhà nước, kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước trong nền
kinh tế nhằm giảm thiểu sự tham gia của Nhà nước trong các hoạt động kinh tế,
cơ cấu lại độc quyền Nhà nước, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, thúc đẩy sự phát
triển của khu vực tư nhân. Cùng với đó là hoàn thiện mối quan hệ giữa Nhà nước
và thị trường, xác định rõ chức năng nhà nước và thị trường. Thiết lập và giám
sát cơ chế đánh giá tác động cạnh tranh của các chính sách, pháp luật, đặc biệt
cơ chế đánh giá, quản lý chất lượng các quy định về kinh doanh…
Dự thảo Đề án gồm bốn phần, trong đó, phần thứ nhất trình bày khung
chính sách cạnh tranh quốc gia trong một nền kinh tế thị trường. Phần thứ hai
đánh giá thực trạng cạnh tranh và chính sách cạnh tranh ở Việt Nam,
trong đó khái quát những kết quả đạt được và xác định những hạn
chế, tồn tại và nguyên nhân (so sánh với kinh nghiệm và thông lệ quốc tế).
Phần thứ ba đề xuất những mục tiêu, quan điểm, định hướng giải pháp cải
cách tổng thể chính sách cạnh tranh quốc gia ở Việt Nam. Phần thứ tư là tổ
chức thực hiện./.
Chi Đoàn