Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình
hình thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục
thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh,
nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, cho
đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo các
Phòng đăng ký kinh doanh thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng
gộp 04 bước thủ tục (gồm Đăng ký thành lập doanh nghiệp; Thông báo mẫu con dấu;
Khắc dấu; Mở tài khoản ngân hàng) thành 01 bước thủ tục. Bộ Tài chính đã ban
hành Thông tư 37/2017/TT-BTC ngày 27/4/2017, theo đó rút ngắn thời gian đăng ký
tự in hóa đơn từ 10 ngày xuống còn 02 ngày. Đồng thời giám sát chặt chẽ việc
thực thi, đảm bảo tuân thủ đúng theo quy định. Theo đó, Khởi sự kinh doanh của
Việt Nam từ 8 bước thủ tục và 17 ngày như hiện nay dự kiến được ghi nhận giảm
xuống còn 5 bước thủ tục và 8 ngày.
Ngày 04/5/2019, Bộ Tài chính có Văn bản số 5116/BTC-CST kiến nghị Thủ tướng
Chính phủ về việc sửa Nghị định số 139/2016/NĐ-CP quy định về lệ phí môn bài
theo hướng cho phép miễn lệ phí môn bài đối với trường hợp mới ra hoạt động sản
xuất kinh doanh hoặc mới thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh trong năm tài
chính đầu tiên. Nếu thực hiện cải cách này sẽ tác động đáng kể tới việc tăng
điểm số và cải thiện thứ hạng chỉ số của Việt Nam, thể hiện môi trường kinh
doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.
Cấp phép xây dựng của Việt Nam từ 10 bước thủ tục và 166 ngày như hiện nay
dự kiến được ghi nhận giảm xuống còn 10 bước thủ tục và 52 ngày. Ngoài ra, Ngân
hàng Thế giới cũng ghi nhận những cải cách của Việt Nam trong các quy định về
Bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng và Trách nhiệm pháp lý về các vấn đề
khi công trình đưa vào sử dụng.
Về cải cách quy định về điều kiện kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rà
soát, đề xuất cắt giảm Danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, ban
hành tại Phụ lục kèm theo Luật đầu tư. Theo đó, đề xuất bãi bỏ 22 ngành nghề;
sửa đổi 4 ngành nghề và bổ sung 3 ngành nghề để thống nhất với Luật thủy sản,
Luật lâm nghiệp và Luật báo chí). Danh mục này ban hành kèm theo Luật đầu tư
(đang dự thảo sửa đổi), dự kiến thông qua vào kỳ họp Quốc hội tháng 10/2019.
Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bãi bỏ đơn giản hóa các quy định về điều
kiện kinh doanh do các bộ, ngành thực hiện năm 2018, dự kiến báo cáo Thủ tướng
Chính phủ trong tháng 6/2019. Theo rà soát sơ bộ về chất lượng cắt giảm điều
kiện kinh doanh cho thấy số điều kiện kinh doanh cắt giảm thực chất, thực sự
tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chưa đạt được kết quả như báo cáo của các bộ.
Thực hiện yêu cầu về cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, các bộ,
ngành có thể đề xuất, kiến nghị ban hành Nghị định sửa các Nghị định về điều
kiện kinh doanh hoặc sửa riêng từng Nghị định liên quan. Cho đến nay, về cơ
bản, những Nghị định sửa các Nghị định về điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực
quản lý của các bộ đã được ban hành.
Về tình hình và kết quả đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và cung cấp
dịch vụ công trực tuyến, tính đến cuối tháng 12/2018, tỷ trọng thanh toán tiền
mặt/tổng phương tiện thanh toán đạt 11,49%. Hình thức sử dụng tiền mặt là phổ
biến với 90% chi tiêu sử dụng tiền mặt, 99% cho mặt hàng dưới 100 nghìn đồng và
gần 85% giao dịch tại ATM là rút tiền. Hiện nay, chưa có số liệu cập nhật về
các chỉ tiêu này. Về thực hiện yêu cầu đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt,
nội dung này đã được ghi nhận có nhiều chuyển biến tích cực ngay từ đầu năm. Kế
hoạch hành động của các địa phương đều chú trọng tới nội dung này.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra
chuyên ngành và kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia. Hoàn thành rà soát,
cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục mặt hàng quản lý, kiểm tra
chuyên ngành, tập trung một đầu mối duy nhất thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên
ngành đối với một sản phẩm, hàng hóa./.
Văn phòng Sở