Quá trình thực hiện Luật đầu tư và một số Luật liên quan đến đầu tư, kinh
doanh trong thời gian qua cho thấy còn một số nội dung chưa được quy định thống
nhất, đồng bộ giữa các Luật, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến thủ tục về
đầu tư, đất đai, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản, môi trường... Sự
trùng lặp, chồng chéo trong các quy định về vấn đề này giữa các Luật đã và đang
gây nhiều khó khăn cho cả nhà đầu tư, cơ quan quản lý trong việc triển khai
hoạt động đầu tư, kinh doanh cũng như công tác quản lý nhà nước đối với các
hoạt động này. Một số nội dung của Luật về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có
điều kiện chưa được quy định đầy đủ, chưa có cơ chế kiểm soát, giám sát chặt
chẽ việc áp dụng cũng như sửa đổi, bổ sung các ngành, nghề này nhằm tạo cơ sở
pháp lý cho việc bảo đảm thực thi nhất quán quyền tự do kinh doanh của người
dân và doanh nghiệp.
Các lĩnh vực, ngành, nghề ưu đãi, hỗ trợ đầu tư còn dàn trải, chưa thật sự
hướng mạnh vào việc thu hút các nguồn lực đầu tư nhằm cơ cấu lại nền kinh tế,
chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên sáng tạo và đổi mới công nghệ đang diễn
ra nhanh chóng trong bối cảnh cuộc Cánh mạng công nghiệp lần thứ tư. Một số
tiêu chí, điều kiện và hình thức áp dụng ưu đãi đầu tư chưa linh hoạt, chậm
được đổi mới để đáp ứng yêu cầu thu hút các nguồn vốn đầu tư có chất lượng cao,
khuyến khích hoạt động đổi mới, sáng tạo, chuyển giao công nghệ, hoạt động
nghiên cứu-phát triển (R&D), thúc đẩy liên kết ngành, liên kết giữa doanh
nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh những thành tựu quan trọng, việc thu hút và sử dụng nguồn vốn đầu
tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian qua đã bộc lộc một số hạn chế, bất cập
và những vấn đề mới phát sinh, đòi hỏi phải có quan điểm, định hướng và giải
pháp mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút nguồn vốn này cũng như công
tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Nghị quyết số 50/NQ-TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn
thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước
ngoài đến năm 2030 đã đánh giá toàn diện tình hình thu hút, sử dụng nguồn vốn
đầu tư nước ngoài hơn 30 năm qua, trong đó đã chỉ rõ những hạn chế, bất cập
trong hoạt động thu hút nguồn vốn này. Bên cạnh đó, đã xuất hiện một số hiện
tượng tiêu cực và vấn đề mới phát sinh trong hoạt động của các dự án đầu tư
nước ngoài (như tình trạng chuyển giá, trốn thuế, sử dụng công nghệ lạc hậu,
tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên, đầu tư “chui”,
“núp bóng” thông qua tổ chức, cá nhân Việt Nam...). Trong bối cảnh đó, Luật đầu
tư cần được tiếp tục sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện công cụ cần thiết để sàng
lọc, thu hút nhà đầu tư thật sự có năng lực để thực hiện dự án đầu tư có chất
lượng cao, đáp ứng yêu cầu sử dụng hiệu quả các nguồn lực về đất đai, tài
nguyên, khoáng sản, lao động, bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ môi trường và
xử lý những bất cập nêu trên.
Bên cạnh đó, Luật đầu tư cần được tiếp tục hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu
thực hiện các cam kết hội nhập, góp phần cải thiện, nâng cao sức cạnh tranh của
môi trường đầu tư, kinh doanh. Một số vấn đề lớn mà các doanh nghiệp kỳ vọng có
bước đột phá hơn trong Luật này là: tiếp tục bảo đảm quyền tự do, bình đẳng của
doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư kinh doanh; cải cách, đơn giản hóa hơn nữa
thủ tục thực hiện dự án đầu tư.
Luật được sửa đổi nhằm mục tiêu tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh
doanh, tháo gỡ khó khăn, xóa bỏ rào cản trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của
người dân, doanh nghiệp, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút nguồn
lực đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài phù hợp với quy hoạch, định hướng
phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn trên cơ sở bảo đảm an ninh, quốc phòng,
phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Đồng thời, hoàn thiện các quy định về
ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh, đồng
thời cắt giảm một số ngành, nghề không cần thiết, bất hợp lý nhằm tiếp tục bảo
đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh
nghiệp trong những ngành, nghề mà Luật không cấm hoặc quy định phải có điều
kiện. Cùng với đó, tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hoàn
thiện cơ chế phân cấp quản lý giữa các cơ quan trung ương và cơ quan địa phương
trên cơ sở đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt
động đầu tư, kinh doanh.
Luật đầu tư (sửa đổi) phải đảm
bảo nguyên tắc thi hành đầy đủ, nhất quán những cải cách của Luật đầu tư gắn
với việc thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp cải
thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ phát
triển và cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Đồng thời, bảo đảm tính thống nhất,
minh bạch, khả thi và hiệu quả trong việc thực hiện các quy định của Luật đầu
tư và các luật có liên quan đến đầu tư, kinh doanh, đặc biệt là các luật về đất
đai, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản, môi trường, chuyển giao công
nghệ… Tuân thủ các cam kết hội nhập của Việt Nam, trong đó có các cam kết liên
quan đến mở cửa thị trường, tự do hóa và bảo hộ đầu tư theo các Hiệp định đầu
tư song phương cũng như Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và đầu tư kinh doanh có điều kiện, dự
thảo Luật đã hoàn thiện quy định tại Điều 7 của Luật đầu tư nhằm nâng cao chất
lượng, hiệu quả thực thi nguyên tắc bảo đảm quyền tự do đầu tư kinh doanh của
người dân và doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm hoặc
quy định phải có điều kiện. Bổ sung một số quy định về hình thức áp dụng, nội
dung điều kiện đầu tư kinh doanh cũng như các nguyên tắc, điều kiện, thủ tục đề
xuất ban hành, sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều
kiện.
Bãi bỏ 12 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời sửa đổi 19
ngành, nghề và bổ sung 6 ngành, nghề để phù hợp với yêu cầu, thực tiễn quản lý
nhà nước đối với các ngành, nghề này và bảo đảm tính thống nhất với các luật có
liên quan. Bổ sung ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề
cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại Điều 6 của Luật.
Tiếp tục cấm đầu tư kinh doanh các chất ma túy; các hóa chất, khoáng vật và
động, thực vật hoang dã bị cấm theo các công ước quốc tế, nhưng bãi bỏ các Phụ
lục 1, 2 và 3 của Luật đầu tư và giao Chính phủ quy định chi tiết để phù hợp
với thực tiễn thay đổi nhanh chóng của các sản phẩm này cũng như yêu cầu quản
lý nhà nước theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là
thành viên.
Về ngành, nghề đầu tư có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài, nhằm thể
chế hóa quan điểm, chủ trương, giải pháp đối với hoạt động thu hút đầu tư nước
ngoài theo Nghị quyết số 50/NQ-TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị, dự thảo Luật
đã bổ sung quy định về Danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường thị trường có
điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo cách tiếp cận chọn bỏ.
Đặc biệt, dự thảo Luật bổ sung
một số ngành, nghề hoạt động đầu tư khác vào khoản 1 Điều 17, gồm: hoạt động
nghiên cứu và phát triển; sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết
quả nghiên cứu khoa học; hoạt động đổi mới sáng tạo; sản xuất hàng hóa hoặc
cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số nội dung về ngành, nghề và địa bàn ưu đãi
đầu tư; Quy định về thẩm quyền, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư; Thủ tục
thực hiện hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài; Quy định về thủ tục triển
khai thực hiện dự án đầu tư; Các quy định về đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài.
Ngoài ra, Dự thảo Luật tiếp tục duy trì thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu
tư ra nước ngoài với nội dung và thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng
ký đầu tư đơn giản hơn theo hướng: bãi bỏ một số nội dung không cần thiết hoặc
có thể dẫn đến xung đột với về thẩm quyền điều chỉnh với pháp luật của nước
tiếp nhận đầu tư; thu hẹp phạm vi dự án phải thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án
đầu tư... Đồng thời, sửa đổi, bãi bỏ một số quy định của các luật khác có liên
quan để phù hợp với nội dung sửa đổi, bổ sung tại Luật này, gồm: Luật nhà ở,
Luật kinh doanh bất động sản, Luật quy hoạch đô thị, Luật bảo vệ môi trường và
Luật điện ảnh và quy định áp dụng chuyển tiếp các nội dung mới của luật.
Văn phòng Sở