I. Căn cứ
theo quy định của pháp luật hiện hành
Tiêu chí xác định Doanh nghiệp nhỏ và vừa căn cứ theo:
1. Điều 4 Luật Hỗ trợ DNNVV số 04/2017/QH14 ngày
12/06/2017.
2. Điều 6 Nghị định 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của
Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV.
II. Tiêu chí
xác định Doanh nghiệp nhỏ và vừa
1. Phân loại Doanh nghiệp nhỏ và vừa: được phân loại
theo quy mô bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp
vừa. Doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa được xác định
theo lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp và xây dựng;
thương mại và dịch vụ.
2. Cách thức xác định Doanh nghiệp nhỏ và vừa
2.1. Tiêu chí xác định phải đáp ứng đồng thời 02 điều kiện sau:
- Số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm.
- Tổng doanh thu của năm (ưu tiên) hoặc tổng nguồn vốn của năm.
2.2. Xác định Doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy mô:
a) Trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và
lĩnh vực công nghiệp, xây dựng
- Đối với Doanh nghiệp siêu
nhỏ: có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội
bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ
đồng.
- Đối với Doanh nghiệp nhỏ: có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm
không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 20 tỷ
đồng, nhưng không phải là doanh
nghiệp siêu nhỏ.
- Đối với Doanh nghiệp
vừa: có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội
bình quân năm không quá 200 người và tổng doanh thu của năm không quá 200 tỷ
đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá
100 tỷ đồng, nhưng không phải là
doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ.
b) Trong lĩnh vực thương mại,
dịch vụ
- Đối với Doanh nghiệp siêu
nhỏ: có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội
bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng
hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ
đồng.
- Đối với Doanh nghiệp nhỏ: có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm
không quá 50 người và tổng doanh thu của năm không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 50 tỷ
đồng, nhưng không phải là doanh
nghiệp siêu nhỏ.
- Đối với Doanh nghiệp
vừa: có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội
bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 300 tỷ
đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 100
tỷ đồng, nhưng không phải là doanh
nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ.
III. Trình tự xác định
1. Về biểu mẫu: Mẫu tờ khai xác định Doanh nghiệp nhỏ
và vừa tại Phụ lục kèm theo Nghị định 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính
phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV (đính kèm theo).
Lưu ý các nội
dung sau:
- Doanh nghiệp nhỏ và vừa căn cứ vào mẫu quy định để
tự xác định, kê khai và nộp cho cơ quan, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và
vừa. Doanh nghiệp nhỏ và vừa phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc kê
khai.
- Trường hợp doanh nghiệp tự phát hiện kê khai quy mô
không chính xác, doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện điều chỉnh và kê khai lại.
Việc kê khai lại phải được thực hiện trước thời điểm doanh nghiệp nhỏ và vừa
hưởng nội dung hỗ trợ.
- Trường hợp doanh nghiệp cố ý kê khai không trung
thực về quy mô để được hưởng hỗ trợ thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật
và hoàn trả toàn bộ kinh phí và chi phí liên quan mà doanh nghiệp đã nhận hỗ
trợ.
2. Hồ sơ, tài liệu chứng minh:
2.1. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: để xác định
lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa căn cứ vào quy định của pháp
luật về hệ thống ngành kinh tế (căn cứ theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg ngày
06/7/2018 Ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam) và quy định của pháp
luật chuyên ngành. Trường hợp hoạt động trong nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp nhỏ
và vừa được xác định căn cứ vào lĩnh vực có doanh thu cao nhất. Trường hợp
không xác định được lĩnh vực có doanh thu cao nhất, doanh nghiệp nhỏ và vừa
được xác định căn cứ vào lĩnh vực sử dụng nhiều lao động nhất.
2.2. Chứng từ nộp bảo hiểm xã hội mà Doanh nghiệp nộp
cho cơ quan BHXH: để xác định số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân
năm.
Trong đó:
- Số lao động tham gia bảo hiểm xã hội là toàn bộ số lao
động do doanh nghiệp quản lý, sử dụng và trả lương, trả công tham gia bảo hiểm
xã hội theo pháp luật về bảo hiểm xã hội.
- Số
lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm được tính bằng tổng số lao động
tham gia bảo hiểm xã hội của năm chia cho số tháng trong năm. Trường hợp doanh
nghiệp hoạt động dưới 01 năm, số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân
được tính bằng tổng số lao động tham gia bảo hiểm xã hội của các tháng hoạt
động chia cho số tháng hoạt động.
2.3. Báo cáo tài chính của Doanh nghiệp mà doanh nghiệp nộp cho cơ quan quản lý thuế:
- Bảng Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp: để xác
định tổng doanh thu của năm. Tổng doanh thu của năm
là tổng doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp và được xác
định trên Báo cáo tài chính của năm trước liền kề. Trường hợp doanh nghiệp hoạt
động dưới 01 năm hoặc trên 01 năm nhưng chưa phát sinh doanh thu thì doanh
nghiệp căn cứ vào tiêu chí tổng nguồn vốn theo quy định.
- Bảng Cân đối kế toán của doanh nghiệp: để xác định
tổng nguồn vốn. Tổng nguồn vốn được xác định trên
Báo cáo tài chính của năm trước liền kề. Trường hợp doanh nghiệp hoạt động dưới
01 năm, tổng nguồn vốn được xác định trong bảng cân đối kế toán của doanh
nghiệp tại thời điểm cuối quý liền kề thời điểm doanh nghiệp đăng ký hưởng nội
dung hỗ trợ./.
Phòng QLN