PHẦN 1: KẾT QUẢ THỰC HIỆN 9 THÁNG ĐẦU NĂM 2020; ƯỚC THỰC HIỆN NĂM 2020:
I. Tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 9 tháng đầu năm 2020:
Cùng với các giải pháp của Chính phủ tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01/01/2020, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 10/01/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo chống dịch Covid-19 quyết liệt với tinh thần chống dịch như chống giặc; đã ban hành nhiều chỉ đạo chống dịch Covid-19 lây lan ra cộng đồng, đồng thời phát triển kinh tế xã hội. Kết quả 9 tháng đầu năm tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đạt một số kết quả như sau:
1. Kinh tế:
- Về sản xuất công nghiệp: Tình hình sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm 2020 chịu tác động ảnh hưởng của dịch Covid 19 nên sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng thấp. Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm 2020 tăng 5,51% so cùng kỳ (cả nước tăng 2,69%).
- Về sản xuất nông nghiệp: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch covid-19, hạn hán, xâm nhập mặn, dịch tả lợn Châu phi nhưng ngành nông nghiệp vẫn tăng trưởng ổn định, kết quả 9 tháng đầu năm đạt được như sau:
+ Trồng trọt: Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm tính đến ngày 15/9/2020 đạt 144.609,38 ha, giảm 2,32% so cùng kỳ.
+ Chăn nuôi: tình hình chăn nuôi 9 tháng đầu năm 2020 trên địa bàn tỉnh cơ bản đã ổn định và tiếp tục phát triển, công tác tái đàn có chuyển biến tích cực. Hiện nay, tổng đàn Heo khoảng trên 2,17 triệu con, tăng 9,73% so với cùng kỳ. Đàn gà trên 26,8 triệu con, tăng 4,89% so cùng kỳ.
- Về vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước: Tính đến ngày 25/9/2020, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đối với ngân sách tỉnh đạt 1.765,705 tỷ đồng/4.141,839 tỷ đồng, đạt 42,63% kế hoạch; đối với cấp huyện đạt 1.625,323 tỷ đồng/3.637,651 tỷ đồng, đạt 44,68% kế hoạch; đối với vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ các chương trình mục tiêu là 48,42% và đối với nguồn vốn trái phiếu Chính phủ (Dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành) lũy kế giải ngân là 18,12%.
- Thu hút đầu tư trong nước 9 tháng đầu năm 2020 (đăng ký cấp mới và điều chỉnh tăng vốn) là 26.056,9 tỷ đồng, bằng 97% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2019 đạt 26.855 tỷ đồng), trong đó: cấp mới 93 dự án với tổng vốn đăng ký là 21.843,8 tỷ đồng (so với cùng 2019, tăng 24% về số dự án cấp mới và bằng 84% về vốn đăng ký cấp mới) và 13 dự án điều chỉnh tăng vốn với số vốn bổ sung là 4.213,1 tỷ đồng.
Lũy kế đến ngày 30/9/2020 số dự án còn hiệu lực là 1.020 dự án với số vốn là 279.840,34 tỷ đồng.
- Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 9 tháng 2020 đạt khoảng 919,1 triệu USD, bằng 64% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2019 đạt 1.421,65 triệu USD), trong đó: cấp mới 60 dự án, tổng vốn đăng ký khoảng 261,67 triệu USD (so với cùng kỳ năm 2019 bằng 73% về dự án cấp mới và bằng 34% về vốn); 85 dự án tăng vốn với tổng vốn bổ sung 657,46 triệu USD. Dự kiến vốn giải ngân 9 tháng đạt 800 triệu USD (tương đương khoảng 18.616 tỷ đồng).
Lũy kế đến ngày 30/9/2020 số dự án còn hiệu lực là 1.532 dự án với số vốn là 30,93 tỷ USD.
- Tính đến ngày 30/9/2020, Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 2.975 doanh nghiệp, tăng 4% so với cùng kỳ (cùng kỳ 2019 đạt 2.851 doanh nghiệp) với số vốn đăng ký là 46.877 tỷ đồng (cả nước có 99.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 3,2% so với cùng kỳ).
- Hoạt động xuất, nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã làm cho các Doanh nghiệp xuất, nhập khẩu mặt hàng nông sản, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày của thị trường Trung Quốc, Châu Âu giảm mạnh, Mặt khác thị trường xuất khẩu ở các nước trên thế giới giảm mạnh, nhất là các thị trường truyền thống đã ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu so cùng kỳ, cụ thể: Kim ngạch xuất khẩu đạt 13,5 tỷ USD, giảm 5,55% so cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu đạt 10,4 tỷ USD, giảm 11,11% so cùng kỳ. (cả nước kim ngạch xuất khẩu đạt 202,8 tỷ USD, tăng 4,2% so cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu đạt 185,8 tỷ USD; giảm 0,8% so cùng kỳ).
- Hoạt động du lịch: 9 tháng đầu năm ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề do tác động của dịch Covid-19, lượng khách đến tham quan và lưu trú giảm, các doanh nghiệp bị khách hàng hủy tour du lịch, hủy các hợp đồng dịch vụ (tham quan, ăn uống, hội nghị, lưu trú). Kết quả, tổng lượt khách đến tham quan và lưu trú ước đạt 1.526.300 lượt, giảm 56,8 % so với cùng kỳ và doanh thu dịch vụ du lịch đạt 680,5 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ năm 2019.
- Thu, chi ngân sách Nhà nước 9 tháng đầu năm 2020 (tính đến ngày 30/9/2020):
+ Dự ước thu ngân sách nhà nước là 39.047 tỷ đồng, đạt 73% dự toán năm và tăng 2% so với cùng kỳ (thu ngân sách cả nước đến 15/9/2020 đạt 902,5 nghìn tỷ đồng, đạt 59,7% dự toán năm). Trong đó:
Thu nội địa là 28.912 tỷ đồng, đạt 81% so với dự toán năm và tăng 11% so với cùng kỳ (Nếu loại trừ tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết thì thu nội địa là 23.082 tỷ đồng, đạt 71% dự toán và tăng 4% so cùng kỳ);
Thu lĩnh vực xuất nhập khẩu là 10.134 tỷ đồng, đạt 58% so dự toán năm và bằng 83% so với cùng kỳ.
+ Dự ước chi cân đối ngân sách địa phương là 14.027 tỷ đồng, đạt 59% so với dự toán điều chỉnh và tăng 6% so với cùng kỳ. Trong đó: Chi đầu tư phát triển là 4.981 tỷ đồng, đạt 64% so với dự toán điều chỉnh và tăng 9% so với cùng kỳ; chi thường xuyên là 9.038 tỷ đồng, đạt 62% so với dự toán điều chỉnh và tăng 5% so với cùng kỳ.
- Phong trào xây dựng Nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh, Đồng Nai là một trong hai địa phương đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới. Phát huy phong trào trên, tỉnh Đồng Nai tiếp tục chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu. Trong 9 tháng đầu năm 2020 có 06 xã được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 46/121 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, bình quân toàn tỉnh mỗi xã đạt 15,6 tiêu chí/xã, tăng 1,24 tiêu chí/xã so với cuối năm 2019.
- Về xây dựng: Công tác quản lý quy hoạch được quan tâm, hiện nay tỉnh Đồng Nai đang xây dựng nhiều đồ án quy hoạch. Trong đó, tỉnh Đồng Nai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; báo cáo Thủ tướng Chính phủ đưa KCN Biên Hòa 1 ra khỏi quy hoạch phát triển KCN để chuyển đổi thành Khu đô thị Thương mại dịch vụ, đồng thời điều chỉnh, bổ sung một số khu công nghiệp để thu hút đầu tư.
- Công tác quản lý đất đai, tài nguyên môi trường được tập trung thực hiện, đặc biệt là công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, nhất là các công trình, dự án trọng điểm đang triển khai thực hiện trên địa bàn như: Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc Nam (đoạn Dầu Giây - Phan Thiết), Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; công tác xử lý các tồn tại về đất đai liên quan đến các nông, lâm trường, tôn giáo.
2. Xã hội:
- Các lĩnh vực văn hóa, thể thao, an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm. Trong 9 tháng, giải quyết việc làm cho 58.620 lượt người, đạt 73,28% kế hoạch, giảm 18,07% so với cùng kỳ năm 2019; tuyển mới, đào tạo cho 61.349 người, đạt 79,16% kế hoạch, giảm 4,8 % so với cùng kỳ. Hỗ trợ cho 2.114 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay mới với số tiền 93,481 tỷ đồng (bình quân 44,2 triệu đồng/hộ).
- Tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và tuyển sinh vào lớp 10 đảm bảo an toàn, đúng quy chế, kết quả toàn tỉnh có 26.481/26.997 (không tính thí sinh tự do) tốt nghiệp trung học phổ thông chiếm tỷ lệ 98,09%. Tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 phổ thông đạt 76,01%.
- Công tác phòng chống dịch bệnh được quan tâm chỉ đạo thực hiện, tính đến ngày 14/9/2020, tỉnh Đồng Nai ghi nhận 03 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (COVID - 19) gây ra, hiện đã khỏi bệnh, hoàn thành thời gian cách ly trở về địa phương (dịch cấp độ 2).
- Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch bệnh Covid 19.
Tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung triển khai các nhiệm vụ được giao theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó dịch với dịch Covid-19, như các chính sách tín dụng, lao động, bảo hiểm xã hội và đặc biệt là chính sách về thuế, cụ thể:
+ Về chính sách tín dụng: có 2.007 khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay với số tiền là 4.726 tỷ đồng.
+ Hỗ trợ giãn nộp tiền thuế theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ: có 2.338 đối tượng được gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất với trên 1.248 tỷ đồng tiền thuế được gia hạn.
+ Hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid -19: Tính đến ngày 10/9/2020, Bảo hiểm xã hội tỉnh xác nhận 115 đơn vị sử dụng lao động với 6.318 lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; 106 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất do ảnh hưởng của dịch Covid-19 là 71 doanh nghiệp đủ điều kiện với 10.765 lao động với số tiền tạm dừng đóng trên 62,3 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ đối với các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đảm bảo theo quy định và tinh thần của Nghị quyết.
3. Về an ninh – trật tự:
Triển khai thực hiện nhiệm vụ quốc phòng an ninh năm 2020, tăng cường công tác quốc phòng an ninh trên địa bàn, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tỉnh đã hoàn thành chỉ tiêu giao quân, chọn và gọi công dân nhập ngũ. Trật tự, trị an tại các địa bàn trọng điểm chuyển biến tích cực; các băng nhóm, tụ điểm tội phạm, tệ nạn xã hội đã giảm mạnh.
II. DỰ KIẾN KẾT QUẢ THỰC HIỆN NĂM 2020 CÁC CHỈ TIÊU THEO NGHỊ QUYẾT 14-NQ/TU NGÀY 10/01/2020 CỦA TỈNH ỦY:
Trên cơ sở mục tiêu, giải pháp thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2020 đã được đề ra theo Nghị quyết Tỉnh ủy và tình hình thực hiện 9 tháng đầu năm 2020; dự kiến năm 2020, trong tổng số 26 chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 10/01/2020 của Tỉnh ủy có:
- 02 chỉ tiêu chính vượt mục tiêu Nghị quyết (Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội; số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm và số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trong năm).
- 05 chỉ tiêu chính không đạt mục tiêu Nghị quyết (Tốc độ tăng trưởng kinh tế, GRDP bình quân đầu người, Kim ngạch xuất khẩu, Tổng thu Ngân sách, Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế) và 01 chỉ tiêu thành phần không đạt mục tiêu Nghị quyết là Tỷ lệ che phủ rừng.
- 19 chỉ tiêu đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra.
(đính kèm biểu mẫu phụ lục đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết)
PHẦN 2: ĐỀ XUẤT CÁC CHỈ TIÊU KTXH NĂM 2021:
I. Dự báo bối cảnh thế giới, trong nước, trong tỉnh
Tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường như cạnh tranh chiến lược, chiến tranh thương mại; tăng trưởng kinh tế thế giới có khả năng chậm hơn giai đoạn trước; Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ và rộng rãi đến mọi mặt của đời sống; các thách thức an ninh phi truyền thống, đặc biệt là biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng về cả tác động và cường độ; dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt là đại dịch Covid-19... Trong nước, tình hình chính trị - xã hội và kinh tế vĩ mô ổn định; niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và người dân ngày càng tăng lên,...Tuy nhiên, trong giai đoạn 2021-2025 nền kinh tế sẽ phải đối mặt rất nhiều khó khăn, thách thức đến từ những yếu kém nội tại chưa và chậm được khắc phục cũng như các vấn đề xã hội - môi trường gây áp lực lớn đến phát triển kinh tế - xã hội như già hóa dân số, chênh lệch giàu nghèo, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn,...đặc biệt trong năm 2021, năm đầu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Trong tỉnh Đồng Nai, những thành tựu về phát triển kinh tế xã hội trong các năm qua là tiền đề hết sức quan trọng cho sự phát triển ở những năm tiếp theo. Việc tập trung xây dựng các dự án quan trọng cấp quốc gia như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cao tốc Dầu Giây- Phan Thiết và các dự án giao thông liên kết vùng đang triển khai trên địa bàn sẽ mang lại nhiều động lực, cơ hội thúc đẩy phát triển và chuyển đổi cơ cấu kinh tế - xã hội của tỉnh. Song Đồng Nai cũng đang đối mặt với những diễn biến phức tạp về thiên tai do biến đổi khí hậu; tình trạng chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; tính chủ động tham gia trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; sự chống phá không ngừng của các thế lực thù địch và những khó khăn bởi sức ép lớn về yêu cầu phát triển kết cấu hạ tầng, việc làm, nhà ở, dịch vụ y tế, giáo dục và giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do quá trình phát triển công nghiệp, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, người dân đến làm ăn và sinh sống tại địa phương tăng mạnh. Bên cạnh đó, tác động của dịch bệnh Covid-19 vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng tiêu cực đến các mặt của đời sống kinh tế - xã hội, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; tác động trực tiếp đến các ngành xuất, nhập khẩu, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, y tế, giáo dục, lao động, việc làm…
II. Mục tiêu tổng quát năm 2021.
Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đột phá; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tiếp tục thu hút đầu tư có chọn lọc, phát triển công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông sản. Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế. Thực hiện lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa – xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng đội ngũ cán bộ, chấp hành kỷ luật, kỷ cương, sắp xếp và tinh gọn bộ máy; phòng, chống tham nhũng. Chủ động tích cực hội nhập quốc tế. Củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
III. Dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2021
1. Các chỉ tiêu kinh tế:
- Tổng sản phẩm trên địa bàn - GRDP tăng khoảng 8,6% so với năm 2020.
- GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 131,1 triệu đồng/người.
- Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 8,1-8,5% so với năm 2020.
- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 100,3 ngàn tỷ đồng.
- Tổng thu ngân sách đạt dự toán được giao.
- Phấn đấu trong năm 2021, toàn tỉnh có thêm ít nhất 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
2. Các chỉ tiêu về môi trường:
- Thu gom và xử lý 100% chất thải y tế, 100% chất thải nguy hại, 100% chất thải công nghiệp không nguy hại, 100% chất thải rắn sinh hoạt.
- 100% các khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn có có trạm xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn môi trường; 100% khu công nghiệp có nước thải ổn định được lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động.
- Giữ độ che phủ cây xanh đạt 52%; ổn định tỷ lệ che phủ của rừng đạt 28,3%.
3. Các chỉ tiêu về an sinh xã hội:
- Giảm tỷ lệ hộ nghèo trên tổng số hộ nghèo có khả năng thoát nghèo 10%.
- Giữ tỷ lệ lao động không có việc làm khu vực đô thị ở mức 2,4%.
- Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cân nặng theo độ tuổi giảm còn 7,9%.
- Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng chiều cao theo độ tuổi giảm còn dưới 22%.
- Số Bác sỹ trên 1 vạn dân là 8,8 Bác sỹ; Số giường bệnh trên 1 vạn dân đạt 30 giường.
- Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 91%.
- Tỷ lệ dân cư sử dụng nước sạch đạt QC02, trong đó: dân cư đô thị đạt 91%, dân cư nông thôn đạt 81,5%.
- Phấn đấu tỷ lệ cai nghiện ma túy tập trung đạt 7,5%; Tỷ lệ cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng và tại các cơ sở cai nghiện đạt 17,5%, trong đó: tỷ lệ cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng đạt 11%, tỷ lệ cai nghiện ma túy tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy đạt 6,5%.
4. Các chỉ tiêu về văn hóa, giáo dục đào tạo:
- Tỷ lệ ấp, khu phố văn hóa đạt trên 90%; tỷ lệ cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa từ 98% trở lên; tỷ lệ doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa từ 75%; 100% thiết chế văn hóa cấp huyện và cấp xã, 90% nhà văn hóa ấp (khu phố) hoạt động hiệu quả.
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 66%; Tỷ lệ tuyển sinh đào tạo từ trung cấp nghề trở lên trên tổng số người được tuyển sinh trong năm đạt 25,5%.
5. Các chỉ tiêu về an ninh - quốc phòng, trật tự an toàn xã hội:
Hoàn thành chỉ tiêu giao quân do Quân khu giao.
IV. Các nhiệm vụ chủ yếu năm 2021.
1. Về phát triển kinh tế:
- Thực hiện lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của Luật Quy hoạch; Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia trên địa bàn, các công trình trọng điểm của tỉnh và địa phương, cụ thể:
+ Chú trọng việc quy hoạch các khu (tổ hợp) công - nông nghiệp - dịch vụ (công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ phục vụ công nghiệp chế biến và nông nghiệp), điều chỉnh các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dịch vụ, du lịch.... Tập trung thực hiện công tác quy hoạch các khu tái định cư, khu đô thị tái định cư.
+ Thực hiện tốt công tác đền bù giải phóng mặt bằng dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành để bàn giao cho đơn vị thi công đúng tiến độ kế hoạch đề ra.
- Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển kinh tế tập thể; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa; thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia hiệu quả vào cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Tiếp tục thu hút đầu tư có chọn lọc, phát triển công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông sản. Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế; từng bước xây dựng và phát triển đô thị thông minh; phát triển kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân.
- Mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu, đa dạng hóa đối tác, nguồn hàng, hạn chế sự phụ thuộc vào một số thị trường; kiểm soát có hiệu quả nhập khẩu. Đẩy mạnh khai thác và phát triển thị trường nội địa, nâng cao sức tiêu dùng trong nước và phát triển thương hiệu Việt. Phát triển mạnh thương mại điện tử và sự gắn kết giữa thương mại điện tử với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống. Tăng cường quản lý, kiểm tra thị trường, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại.
- Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ như giao thông, nông nghiệp, nông thôn...; phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch. Tiếp tục phát triển nhà ở nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu của người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao.
2. Về phát triển xã hội
- Tiếp tục xây dựng, phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam, sức mạnh toàn dân tộc, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân, chất lượng dân số; phát triển công nghiệp y tế, đẩy mạnh phòng, chống dịch bệnh, tăng cường công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm; thực hiện các quyền của trẻ em, thúc đẩy bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo; gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với xã hội, phát triển thể dục thể thao. Đẩy mạnh giảm nghèo bền vững. Phát triển, nâng cao chất lượng báo chí, truyền thông.
- Nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có kĩ năng, trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, am hiểu pháp luật, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư . Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; triển khai thực hiện chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
3. Tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu: Quản lý, bảo vệ và khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, khoáng sản, hạn chế khai thác tài nguyên thiên nhiên không tái tạo. Tăng cường công tác bảo vệ và cải thiện môi trường, giải quyết triệt để các vấn đề môi trường bức xúc. Tổ chức thực hiện tốt việc ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống giảm nhẹ thiên tai.
4. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng đội ngũ cán bộ, chấp hành kỷ luật, kỷ cương, sắp xếp và tinh gọn bộ máy; phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
5. Tiếp tục cải cách hành chính tư pháp; tăng cường kiểm tra, rà soát, hoàn thiện pháp luật, tạo chuyển biến mạnh mẽ và hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hành chính tư pháp và bổ trợ tư pháp, thi hành án; cải cách thủ tục hành chính.
6. Về quốc phòng, an ninh và công tác đối ngoại: Phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng- an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, dành nguồn lực cho xây dựng, củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân kết hợp với thế trận an ninh nhân dân, giữ vững trật tự an toàn xã hội và ổn định chính trị trên địa bàn để phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục triển khai hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế để phát triển đất nước.
Trên đây là báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai trong 9 tháng đầu năm, ước thực hiện năm 2020 và đề xuất các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2021./.
Phòng Tổng hợp - Quy hoạch.