Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021; Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 21 tháng 01 năm 2021 của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 20/NQ-HĐND ngày 04 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh (HĐND tỉnh) về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2021 tỉnh Đồng Nai; trong 10 tháng đầu năm 2021 Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo chống dịch Covid-19 quyết liệt với tinh thần chống dịch như chống giặc; đã ban hành nhiều chỉ đạo chống dịch Covid-19 lây lan ra cộng đồng, đồng thời phát triển kinh tế xã hội. Kết quả phát triển kinh tế - xã hội 10 tháng đạt được như sau:
A. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC LĨNH VỰC
1. Về kinh tế
- Về sản xuất công nghiệp: Tình hình sản xuất công nghiệp 10 tháng đầu năm 2021 chịu tác động ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng thấp. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp 10 tháng đầu năm 2021 tăng 3,3% so cùng kỳ.
Về Công tác quy hoạch -xây dựng: sau khi dự toán Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu Lập Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở để đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn theo quy định.
Đối với lĩnh vực xây dựng, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành xây dựng tập trung thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc; công tác quản lý cấp nước, thoát nước đô thị, cụ thể chỉ đạo Sở Xây dựng, UBND thành phố Biên Hòa và Công ty cấp nước Đồng Nai thực hiện rà soát, báo cáo khu vực chưa có hệ thống cấp nước sạch cho người dân trên địa bàn thành phố Biên Hoà; tập trung thực hiện các dự án công trình thoát nước, chống ngập úng trên địa bàn tỉnh nhất là tại thành phố Biên Hòa (đến nay đã khắc phục hết ngập 22/25 điểm ngập nặng xảy ra trong thời gian qua, còn 03 điểm đang được UBND Tp. Biên Hòa triển khai bằng các dự án thoát nước để khắc phục).
Về sản xuất nông nghiệp:
- Trồng trọt: diện tích gieo trồng cây hàng năm tính đến 15/10/2021 là 144.753 ha, giảm 2.524,59 ha (-1,71%) so cùng kỳ.
- Chăn nuôi: tổng đàn gia súc khoảng 2,4 triệu con, trong đó tổng đàn heo khoảng 2,3 triệu con (chưa tính heo con chưa tách mẹ), tổng đàn gà khoảng 25,09 triệu con, do ảnh hưởng của dịch covid-19 thị trường tiêu thụ chững lại, đặc biệt là đối với tiêu thụ thịt heo; các trang trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tư nhân vì không tìm được đầu ra nên bị thiệt hại nặng nề nhất vì không được bao tiêu đầu ra như các trại chăn nuôi gia công. Trong khi đó, giá bán thịt heo tăng do các chợ đầu mối thành phố tạm dừng hoạt động, tạo nên sự mất cân bằng khi rớt giá tại nơi sản xuất.
- Về thủy sản: tình hình nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định, không xảy ra dịch bệnh trên đối tượng nuôi. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng thủy sản đạt 57.285,29 tấn, tăng 4,84% so với cùng kỳ.
- Về thiệt hại do thiên tai: Do ảnh hưởng của cơn bão số 8, mưa lớn kéo dài trong các ngày 12 và 13/10/2021, kèm theo việc xả lũ của đập thủy điện Đồng Nai 5 (tỉnh Lâm Đồng), khiến một số khu vực thấp ven sông Đồng Nai bị ngập lụt gây thiệt hại nặng nề về tài sản. Cụ thể, các xã: Đắc Lua, Nam Cát Tiên, Núi Tượng, Tà Lài, Phú Thịnh (huyện Tân Phú) và các xã Thanh Sơn, Phú Tân, Ngọc Định (huyện Định Quán) đều bị thiệt hại do mưa lũ, ngập lụt. Theo thống kê ban đầu, đã có 232 ha lúa, hoa màu và cây ăn trái thuộc các xã nói trên bị ngập, thiệt hại; khoảng 755 tấn cá của 91 hộ dân chủ yếu ở huyện Định Quán bị chết hàng loạt; phải di dời 4 hộ dân với 19 nhân khẩu, trong đó có 3 hộ với 14 nhân khẩu ở huyện Định Quán và 1 hộ 5 nhân khẩu ở huyện Tân Phú.
Về chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới: 10 tháng đầu năm toàn tỉnh có 05 xã đã hoàn thành hồ sơ đề nghị thẩm định, xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 01 xã hoàn thành các tiêu chí Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu (xã Xuân Thọ huyện Xuân Lộc), các xã còn lại đang tập trung hoàn thành các tiêu chí theo kế hoạch đã đăng ký từ đầu năm. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 56/120 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng: Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh trên địa bàn, trong đó ngành thương mại dịch vụ chịu ảnh hưởng nhiều nhất. 10 tháng đầu năm tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 152.678,66 tỷ đồng, tăng 0,88% so với cùng kỳ.
Chỉ số giá bình quân 10 tháng so cùng kỳ năm trước tăng 2,49%. Trong đó: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+1,48%); Đồ uống và thuốc lá (+0,5%); May mặc, mũ nón và giày dép (+0,42%); Nhà ở và vật liệu xây dựng (+3,93%)...Có 2 nhóm có chỉ số giảm đó là: Bưu chính viễn giảm 0,41% và văn hóa, giái trí và du lịch giảm 0,64%.
10 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 17,52 tỷ USD, tăng 15,02% so cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 16 tỷ USD, tăng 37,36% so cùng kỳ. Xuất siêu đạt khoảng 1,5 tỷ USD, nguyên nhân xuất siêu là do năm nay thị trường xuất khẩu thuận lợi hơn, đơn hàng nhiều với giá trị lớn nên các doanh nghiệp có điều kiện đẩy mạnh sản xuất để xuất khẩu.
Hoạt động du lịch: Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các khu, điểm du lịch và các doanh nghiệp lữ hành dừng hoạt động; các hoạt động quảng bá du lịch được thực hiện chủ yếu qua Internet, các ấn phẩm du lịch, báo, đài… 10 tháng đầu năm, lượt khách đạt 1.103.500, giảm 34% và doanh thu dịch vụ du lịch đạt 491 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ năm 2020.
Thu, chi ngân sách Nhà nước đến ngày 23/10/2021.
- Tổng thu ngân sách nhà nước khoảng 52.207,5 tỷ đồng, đạt 111% dự toán điều chỉnh và tăng 12% so với cùng kỳ. Trong đó:
+ Thu nội địa khoảng 35.952,8 tỷ đồng, đạt 106% so với dự toán điều chỉnh và tăng 3% so với cùng kỳ (Nếu loại trừ thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết thì thu nội địa là 30.245,33 tỷ đồng, đạt 100% dự toán điều chỉnh, tăng 3% so với cùng kỳ).
+ Thu lĩnh vực xuất nhập khẩu: khoảng 16.254,7 tỷ đồng, đạt 123% so dự toán điều chỉnh và tăng 42% so với cùng kỳ.
- Tổng chi ngân sách địa phương khoảng 14.046,22 tỷ đồng, đạt 58% so với dự toán điều chỉnh và tăng 02% so với cùng kỳ. Trong đó: Chi đầu tư phát 3.876,65 tỷ đồng, đạt 41% so với dự toán điều chỉnh và tăng 09% so với cùng kỳ; Chi thường xuyên khoảng 10.167 tỷ đồng, đạt 73% so với dự toán điều chỉnh và bằng 99% so với cùng kỳ.
Việc chi trả tại các Quỹ tín dụng nhân dân đang kiểm soát đặc biệt: Đến ngày 30/9/2021, thực hiện chi trả tại 05 QTDND Dầu Giây, Tân Tiến, Thanh Bình, Quảng Tiến, Thái Bình. Kết quả, đã chi trả hết cho 1.758/3027 người = 58,1% số người; số tiền 639,501/1.471,451 tỷ đồng = 43,46% số tiền. Riêng đối với Quỹ tín dụng nhân dân Gia Kiệm, hiện tại Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam đã thống nhất chủ trương tham gia xử lý QTDND Gia Kiệm. Tổng số tiền QTDND Gia Kiệm phải chi trả cho khách hàng là 30,12 tỷ đồng/91 khách hàng.
Về vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước: Tính đến ngày 21/10/2021, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch 2021 sau điều chỉnh đối với nguồn vốn ngân sách địa phương đạt 42,46% (ngân sách tỉnh đạt 36,5% kế hoạch, ngân sách huyện đạt 52,67% kế hoạch); đối với nguồn ngân sách Trung ương là 18,06% (trong đó nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ (đầu tư dự án quan trọng quốc gia), đạt 19,02% kế hoạch).
Đầu tư trong nước: tính đến ngày 18/10/2021, tổng vốn đầu tư trong nước đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư, chủ trương đầu tư và điều chỉnh tăng vốn là 14.201 tỷ đồng, bằng 52,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2020 đạt 26.866 tỷ đồng). Trong đó: cấp mới 24 dự án với tổng vốn đăng ký là 10.507,3 tỷ đồng (so với cùng kỳ năm 2020, bằng 25,8% về số dự án và bằng 47,1% về vốn đăng ký cấp mới) và 12 dự án tăng vốn với số vốn bổ sung là 3.693,6 tỷ đồng. Lũy kế đến ngày 18/10/2021, số dự án còn hiệu lực là 1.064 dự án với số vốn là 300.169 tỷ đồng.
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến ngày 18/10/2021 đạt khoảng 1.107,5 triệu USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2020 đạt 953,2 triệu USD), trong đó: cấp mới 47 dự án với tổng vốn đăng ký 368,5 triệu USD (so với cùng kỳ năm 2020 bằng 77% về số dự án và tăng 40,7% về vốn đăng ký cấp mới) và 95 dự án tăng vốn với tổng vốn bổ sung 739 triệu USD. Dự kiến giải ngân 10 tháng đầu năm đạt 900 triệu USD. Lũy kế đến ngày 18/10/2021, số dự án còn hiệu lực là 1.556 dự án với số vốn là 32,3 tỷ USD.
Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đến ngày 15/10/2021 có 2.304 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký khoảng 46.612,485 tỷ đồng (so với cùng kỳ năm 2020, bằng 71,82% số lượng doanh nghiệp thành lập mới và bằng 94,21% về số vốn thành lập mới). Số doanh nghiệp giải thể 246 doanh nghiệp, giảm 21% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là 685 doanh nghiệp, tăng 8,2% so với cùng kỳ.
Công tác bảo quản lý đất đai, tài nguyên bảo vệ môi trường được tập trung thực hiện, tỉnh đã hoàn thành đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh giai đoạn 2016-2020 và đăng ký nhu cầu sử dụng đất đến năm 2030; đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, đặc biệt là các công trình, dự án trọng điểm như Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây...; theo dõi và kiểm tra giám sát tiến độ đầu tư các công trình, hạng mục xử lý chất thải tại các khu xử lý chất thải, đảm bảo thực hiện đúng thời gian đã cam kết, đặc biệt, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải tại các cơ sở cách ly tập trung phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tăng cường thực hiện một số biện pháp quản lý chất thải để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường.
2. Tình hình sản xuất của doanh nghiệp, việc làm của người lao động; công tác hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19.
2.1. Tình hình sản xuất của doanh nghiệp, việc làm của người lao động (tính đến ngày 14/10/2021).
a. Doanh nghiệp thực hiện các phương án sản xuất:
- Doanh nghiệp thực hiện cùng lúc phương án “3 tại chỗ” và đi về hàng ngày: 475 doanh nghiệp với tổng số lao động là 110.405 người; trong đó đang lưu trú là 45.480 người và đi về hàng ngày là 64.925 người.
- Doanh nghiệp thực hiện phương án đi về hàng ngày: 1.040 doanh nghiệp với tổng số lao động đi về hàng ngày là 365.861 người.
b. Doanh nghiệp phục hồi:
Có 1.515/1.713 dự án đang hoạt động (đạt tỷ lệ 88%) với tổng số lao động đang làm việc là 476.266/615.358 người (đạt tỷ lệ 77%).
- Số dự án vẫn đang tạm ngưng hoạt động là 198 dự án.
- Số lao động vẫn chưa làm việc là 139.092 người.
c. Tình hình phục hồi của một số ngành chủ lực như sau:
- Ngành giày da: Hiện nay, số lượng lao động quay lại đông nên các nhà máy đã hoạt động hầu như đạt trên 50% công suất, doanh nghiệp cơ bản đã ổn định, phục hồi sản xuất, cụ thể một số doanh nghiệp giày da có số lao động lớn đã hoạt động trở lại như: Công ty Chang Shin Việt Nam (26.961/42.072 lao động), Công ty TNHH Tae Kwang Vina Industrial (15.052/31.200 lao động), Tập đoàn Phong Thái (Công ty TNHH giầy Đồng Nai Việt Vinh, Công ty TNHH Đông Phương Đồng Nai Việt Nam, Công ty TNHH Dona Victor Molds MFG, Công ty TNHH Dona Pacific Việt Nam, Công ty TNHH Giày Dona Standard Việt Nam) (31.233/62.989 lao động), Công ty TNHH Hwaseung Vina (13.821/17.102 lao động), Công ty TNHH Pou Sung Việt Nam (10.049/24.131 lao động).
Kỳ vọng cuối tháng 10 các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ ổn định sản xuất để hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu, đảm bảo nhu cầu cho dịp cuối năm.
- Ngành dệt may: Hiện nay, các nhà máy đã hoạt động hầu như đạt trên 70% công suất, cụ thể một số doanh nghiệp dệt may có số lao động lớn làm việc như: Công ty TNHH Saitex International Đồng Nai (2.739/2.739 lao động), Công Ty TNHH Fashion Garments 2 (4.201/5.670 lao động), Công ty TNHH Dệt may Eclat Việt Nam (3.704/5.529 lao động), Công ty TNHH Elite Long Thành (3.339/3.340 lao động). Dự đoán trong quý 4/2021, nếu lực lượng lao động thuộc ngành dệt may quay trở lại làm việc đạt khoảng trên 90% thì doanh thu ngành dệt may sẽ đạt kết quả khả quan, đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Đồng Nai.
2.2. Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19
Tỉnh đã triển khai thực hiện hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Lũy kế đến ngày 24/10/2021, tỉnh đã thực hiện chi trả 1.537,90/1.680,27 tỷ đồng (theo quyết định được phê duyệt), trong đó: Đơn vị sử dụng lao động (tổng mục 1,2,3,10): 8.964 đơn vị/147,11 tỷ đồng, Người lao động: 794.665 người/1.361,29 tỷ đồng, Hộ kinh doanh: 9.530 hộ/29,49 tỷ đồng, cụ thể như sau:
- Chính sách giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Bảo hiểm xã hội tỉnh đã giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 8.908 đơn vị và 627.303 người lao động với số tiền luỹ kế 89,91 tỷ đồng (100% các doanh nghiệp thuộc đối tượng được hỗ trợ).
- Hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất: Hỗ trợ đối với 36 đơn vị và 7.543 người lao động với số tiền là 46,83 tỷ đồng (theo đề nghị của doanh nghiệp).
- Chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động: Chưa phát sinh hồ sơ.
- Hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do đại dịch COVID-19: UBND tỉnh và UBND các huyện và thành phố đã ban hành Quyết định hỗ trợ cho 118.175/124.243 người với số tiền là 388.666 triệu đồng/412.437,1 triệu đồng (chiếm 95,12%).
- Hỗ trợ người lao động ngừng việc (đối tượng đang hưởng mức lương ngừng việc theo thỏa thuận): UBND tỉnh đã ban hành Quyết định hỗ trợ cho 121.193/131.822 người với số tiền là 146.653/160.482 triệu đồng (chiếm 91,94%).
- Chính sách chấm dứt hợp đồng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp: UBND tỉnh và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành quyết định hỗ trợ cho 51 người lao động với số tiền là 209,21 triệu đồng và Trung tâm Dịch vụ việc làm đã chi trả cho 39 người lao động với số tiền là 157,69 triệu đồng.
- Chính sách hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị COVID-19, cách ly y tế (F0 và F1): UBND tỉnh và UBND các huyện và thành phố đã ban hành quyết định phê duyệt hỗ trợ cho 12.649 người điều trị nhiễm COVID-19 (F0) với số tiền là 14,81 tỷ đồng, 6.691 người cách ly y tế (F1) với số tiền là 8,21 tỷ đồng và 2.991 trẻ em với số tiền là 2,99 tỷ đồng.
- Chính sách hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật; chính sách hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch: UBND tỉnh đã ban hành quyết định hỗ trợ cho 31 hướng dẫn viên du lịch với số tiền là 89,04 triệu đồng và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chi trả cho 29 người với số tiền là 107,59 triệu đồng.
- Chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh: UBND tỉnh đã ban hành Quyết định hỗ trợ cho 9.832/10.412 hộ với số tiền là 20.496/31.236 triệu đồng (chiếm 94,43%).
- Chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất: Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân hồ sơ vay vốn để trả lương ngừng việc người lao động cho 17 doanh nghiệp với số tiền là 9,48 tỷ đồng; hồ sơ vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất cho 03 doanh nghiệp với số tiền là 892,26 triệu đồng.
- Hỗ trợ cho người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc và các đối tượng đặc thù: UBND tỉnh đã ban hành Quyết định hỗ trợ cho 533.657/601.780 người với số tiền là 800,48/902,67 tỷ đồng (chiếm 88,68%).
3. Lĩnh vực văn hóa - xã hội:
Các lĩnh vực văn hóa xã hội, chính sách, an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho nhân dân trong bối cảnh dịch Covid-19 được triển khai đồng bộ, không để một ai bị thiếu lương thực, thực phẩm.
UBND tỉnh chỉ đạo Ngành Giáo dục tăng cường cơ sở vật chất, bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo; phát triển mạng lưới trường lớp, xây dựng trường chuẩn quốc gia. Tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2021, đảm bảo an toàn, đúng quy chế, tỷ lệ tốt nghiệp (không kể thí sinh tự do) đạt 99,39% đối với khối THPT và đạt 85,81% đối với khối giáo dục thường xuyên; tập trung nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ năm học đảm bảo đúng khung thời gian năm học 2020-2021 và chuẩn bị tốt công tác triển khai năm học mới 2021-2022 trong điều kiện dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp.
Công tác phòng chống dịch bệnh được quan tâm thực hiện, hiện nay cơ bản tỉnh đã kiểm soát được dịch bệnh, một số hoạt động thuộc các lĩnh vực kinh tế - xã hội đời sống người dân đã được hoạt động mở cửa trở lại theo tinh thần của Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 23/10/2021 về các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Tính đến ngày 24/10/2021, tỉnh có 61.993 ca bệnh, có hơn 52.323 ca đã điều trị khỏi và 541 ca tử vong. Mặc dù đang gặp phải nhiều khó khăn, song hoạt động phòng, chống dịch ở tỉnh Đồng Nai cũng đạt được một số kết quả tích cực, trong đó quan trọng nhất là về tiêm chủng vắc-xin, đến ngày 24/10/2021, tổng số mũi vắc xin phòng COVID-19 đã được tiêm: 3.936.271. Trong đó, mũi 1: 2.618.485; mũi 2: 1.317.786. Tỷ lệ bao phủ vắc xin COVID-19 đối tượng từ 18 tuổi trở lên: mũi 1 là 104,40%, mũi 2 là 52,54%. Tỷ lệ tiêm đủ liều cho người từ 65 tuổi trở lên: 55,52%; người từ 50 tuổi trở lên: 50,95%.
Công tác tư pháp, thanh tra, tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục được các ngành quan tâm thực hiện theo quy định, thực hiện công khai minh bạch trên lĩnh vực hoạt động của địa phương, đơn vị theo quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng.
4. Công tác quốc phòng - an ninh
Công tác quốc phòng an ninh trên địa bàn, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tỉnh đã hoàn thành chỉ tiêu giao quân, chọn và gọi công dân nhập ngũ đạt chỉ tiêu ở 3 cấp (tỉnh, huyện, xã). Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực; các băng nhóm, tội phạm, tệ nạn xã hội đã giảm mạnh; trật tự an toàn giao thông trên địa bàn được duy trì ổn định, tai nạn giao thông được kiềm chế kéo giảm trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương so với cùng kỳ năm 2020.
B. ĐÁNH GIÁ
Dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội cả nước nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng. Trong 10 tháng đầu năm, kinh tế tỉnh tăng trưởng chậm, so với cùng kỳ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ chỉ tăng 0,88%, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,3%; thu hút đầu tư trong nước giảm 47,2% so với cùng kỳ, số doanh nghiệp thành lập mới giảm 28,2% so với cùng kỳ và số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh so với cùng kỳ năm 2020 tăng 8,2% . Lĩnh vực y tế bị ảnh hưởng nặng nề do tập trung toàn bộ nguồn nhân lực, cơ sở vật chất vào công tác phòng, chống dịch.
Trong bối cảnh đó, Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thực hiện “mục tiêu kép”, vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Kết quả, 10 tháng đầu năm 2021 kinh tế tiếp tục phát triển và đạt được những kết quả như sau:
Một là, Tỉnh chỉ đạo, thực hiện kịp thời, nghiêm túc, quyết liệt các chỉ đạo, điều hành của Đảng, Chính phủ về phòng chống dịch Covid 19, từng bước kiểm soát tốt dịch bệnh. Do vậy, các doanh nghiệp an tâm sản xuất, đảm bảo hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp được liên tục, không đứt gãy, góp phần lớn vào sự phát triển kinh tế của tỉnh.
Hai là, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng xuất khẩu tăng 15,02% so cùng kỳ; cán cân thương mại hàng hóa10 tháng ước tính xuất siêu khoảng 1,5 tỷ USD.
Ba là, thu ngân sách trên địa bàn khoảng 52.207,5 tỷ đồng, đạt 111% dự toán điều chỉnh và tăng 12% so với cùng kỳ. Trong đó thu nội địa 35.952,8 tỷ đồng, đạt 106% so với dự toán điều chỉnh và tăng 3% so với cùng kỳ.
Bốn là, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt khoảng 1.107,5 triệu USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2020 Đồng Nai xếp hạng 20/63 tỉnh thành, tăng 3 bậc so với năm 2019.
Năm là, tình hình Quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, triệt phá được những vụ án lớn có quy mô, tính chất liên vùng như các đại án về mua bán xăng giả, ma túy, khởi tố hành vi “trốn thuế” đối với hệ thống kinh doanh dược phẩm lớn nhất trên địa bàn tỉnh; cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân được quan tâm thực hiện, đặc biệt cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã thành công tốt đẹp, bảo đảm an ninh an toàn về công tác phòng chống dịch Covid-19.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được Tỉnh Đồng Nai đang phải đối diện với nhiều khó khăn thách thức, cụ thể:
Một là, dịch covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp đe dọa sức khỏe, tính mạng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh tế, các vấn đề về an sinh, xã hội của tỉnh.
Hai là, sản xuất công nghiệp có mức tăng thấp so cùng kỳ.
Ba là, Giải ngân vốn đầu tư công chậm, chưa đạt yêu cầu kế hoạch đề ra.
Bốn là, thu hút vốn đầu tư trong nước giảm, chỉ bằng 47,2% so với cùng kỳ; số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng so với cùng kỳ (tăng 8,2%).
Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều khu vực dịch vụ chịu thiệt hại nặng nề, nhất là lĩnh vực du lịch, dịch vụ ăn uống, vận tải, nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm mạnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng thấp.
Năm là, Việc triển khai các thủ tục đầu tư các dự án trong nước gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về các qui định theo Luật, văn bản hướng dẫn Luật giữa Luật đầu tư và Luật chuyên ngành.
C. MỘT SỐ NHIỆM VỤ CẦN THỰC HIỆN TRONG NHỮNG THÁNG CUỐI NĂM 2021
Với diễn biến phức tạp và kéo dài của dịch COVID-19, dự báo tình hình thế giới và trong nước vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Để kích thích tăng trưởng, phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế đảm bảo thích ứng đảm an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch covid-19 cần phải tập trung cao độ; nghiêm túc, quyết liệt, khẩn trương, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các giải pháp đề ra tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, cụ thể:
- Tiếp tục tập trung ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; từng bước phục hồi các hoạt động kinh tế xã hội, đảm bảo công tác phòng, chống dịch covid-19 trong tình hình mới theo kế hoạch số 11102/KH-UBND ngày 15/9/2021 của UBND tỉnh.
- Thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo công tác thu ngân sách nhà nước theo dự toán được giao; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, ưu tiên dành nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch và các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách khác.
- Tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kịp thời các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; tập trung thu hút vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt ưu tiên bố trí nguồn vốn cho các công trình giao thông kết nối vùng, giao thông nông thôn, đô thị phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Với phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân”, trên cơ sở kiên trì, quyết liệt thực hiện cơ cấu đầu tư công có hiệu quả tập trung vào các công trình, dự án động lực có tính lan tỏa cao.
- Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ triển khai 4 dự án cao tốc qua địa bàn: mở rộng cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, cao tốc Bến Lức – Long Thành và cao tốc Dầu Giây - Liên Khương; đề xuất cơ chế triển khai dự án vành Đai 3, Vành đai 4 để đảm bảo hệ thống giao thông đồng bộ, kết nối vùng và đặc biệt tập trung triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành đảm bảo hoàn thành trong năm 2021 theo Nghị quyết Quốc hội.
- Chủ động nắm bắt khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, các hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã đang gặp khó khăn do dịch Covid-19 để đề xuất các giải pháp, chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả.
- Rà soát các quy định pháp luật hiện hành về đầu tư, đất đai, xây dựng còn chồng chéo, bất cập qua đó kiến nghị Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương xem xét hướng dẫn thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình xem xét, xử lý hồ sơ đầu tư.
- Đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 để phát huy tối đa nguồn lực, tiềm năng, lợi thế và hoạch định không gian phát triển hợp lý, hiệu quả, kết nối với sự phát triển vùng và quốc gia; đồng thời tập trung triển khai đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành Khu đô thị, thương mại dịch vụ.
- Tiếp tục thực hiện các giải pháp xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đảm bảo hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trong năm 2021.
- Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người dân, người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh kết nối cung cầu thị trường lao động, bảo đảm không thiếu hụt lao động khi nền kinh tế được phục hồi.
- Đẩy mạnh chuyển đổi số, nhất là các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác phòng chống dịch Covid -19; triển khai đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.
- Tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội của tỉnh; chủ động phát hiện, ngăn chặn, xử lý các đối tượng đăng tải thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh. Tập trung tấn công, trấn áp các loại tội phạm, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật. Triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, kiềm chế tai nạn, ùn tắc giao thông, đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy; chủ động lực lượng, phương tiện, phương án sẵn sàng ứng phó, tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh.
Phòng Tổng hợp, Quy hoạch.