Bước sang năm 2022, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn sau thời gian dài giãn cách xã hội, thiếu hụt lao động, nguồn nguyên vật liệu đầu vào tăng cao… Tuy nhiên, nền kinh tế đã trở lại trạng thái bình thường mới, các doanh nghiệp, người dân đã thích ứng với việc sống chung với dịch Covid-19 , các hoạt động sản xuất kinh doanh đã ổn định trở lại. Với khí thế thi đua sôi nổi bước vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, tình hình kinh tế xã hội 02 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh như sau:
1. Kinh tế:
- Về sản xuất công nghiệp: chỉ số sản xuất công nghiệp 02 tháng đầu năm tăng 4,89% so cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,92%; có 23/27 ngành sản xuất tăng và 4/27 ngành giảm so cùng kỳ. Mặc dù mới phục hồi sau đại dịch Covid-19 hầu hết doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn nhưng chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt như trên là kết quả đáng ghi nhận.
- Về quy hoạch - xây dựng: ban hành Kế hoạch tổ chức hội nghị thảo luận lấy ý kiến về đồ án Quy hoạch xây dựng Vùng huyện Long Thành tỉnh Đồng Nai đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 phân khu A2 tại phường Bình Đa và một phần phường An Bình thành phố Biên Hòa.
UBND tỉnh có Văn bản số 1400/UBND-THNC ngày 14/02/2022 chấp thuận cho Công ty CP Công nghệ - Viễn thông Sài Gòn là nhà tài trợ toàn bộ kinh phí lập quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Và giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Công ty CP Công nghệ - Viễn thông Sài Gòn thực hiện đàm phán với đơn vị tư vấn lập Quy hoạch tỉnh xây dựng tiến độ, lộ trình, xác định rõ thời gian, kinh phí, trách nhiệm các bên để tổ chức triển khai thực hiện lập Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo hiệu quả, chất lượng và đúng quy định.
Hiện nay, tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt Hồ sơ yêu cầu cung cấp dịch vụ tư vấn lập Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và chọn đơn vị là Công ty TNHH McKinsey & Company Việt Nam sẽ là đơn vị tư vấn lập Quy hoạch tỉnh Đồng Nai. - Về sản xuất nông nghiệp:
+ Trồng trọt: diện tích gieo trồng cây hàng năm toàn tỉnh là 33.393 ha, giảm 0,09% (giảm 30 ha) so cùng kỳ.
+ Chăn nuôi: mặc dù công tác phòng chống dịch được tập trung triển khai thực hiện nhưng trên địa bàn tỉnh phát hiện 01 ổ dịch tả lợn Châu Phi tại huyện Nhơn Trạch và 01 ổ dịch Cúm gia cầm trên địa bàn huyện Trảng Bom và đã tiêu hủy gia súc, gia cầm bị chết theo quy định. Tính đến tháng 02/2022, tổng đàn gia súc trên địa bàn tỉnh khoảng 2,2 triệu con, tăng 4,66% so cùng kỳ, trong đó tổng đàn heo khoảng 2,1 triệu con, tăng 4,86% so cùng kỳ (không tính heo con chưa tách mẹ); tổng đàn gia cầm khoảng 25,2 triệu con, tăng 1,86% so cùng kỳ.
- Về chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả: tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện các khu dân cư kiểu mẫu của các huyện Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu, Thống Nhất. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 65/120 xã nông thôn mới nâng cao, 08 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 06 khu dân cư kiểu mẫu được công nhận.
- Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ: từ đầu năm 2022, các hoạt động thương mại, dịch vụ, vui chơi, giải trí hoạt động bình thường trở lại, đặc biệt là hoạt động sản xuất công nghiệp đã có bước khởi sắc, tác động tích cực đến các hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 02 tháng đầu năm đạt 37.168,88 tỷ đồng, tăng 12,97% so cùng kỳ.
- Kim ngạch xuất khẩu 02 tháng đầu năm đạt đạt 4,4 tỷ USD, tăng 31,6% so cùng kỳ (Kim ngạch xuất khẩu cả nước 2 tháng đạt 53,79 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ). Kim ngạch nhập khẩu 02 tháng đầu năm đạt 2,88 tỷ USD, tăng 8,39% so cùng kỳ; nguyên nhân kim ngạch nhập khẩu tăng cao so với cùng kỳ do hiện nay nhiều doanh nghiệp đã khôi phục lại sản xuất sau thời gian bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều đơn hàng mới trong năm 2022 được ký kết. Bên cạnh đó nhiều doanh nghiệp vẫn sản xuất đến những ngày cận Tết và bắt tay vào sản xuất những ngày đầu năm mới để hoàn thành các đơn hàng nên nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu của các doanh nghiệp vẫn cao so với cùng kỳ. (Kim ngạch nhập khẩu cả nước 2 tháng đạt 54,73 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ). Cán cân thương mại hàng hóa 02 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 1,52 tỷ USD.
- Thu, chi ngân sách Nhà nước 02 tháng đầu năm:
+ Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 12.769 tỷ đồng, đạt 23% so với dự toán năm, bằng 85% so cùng kỳ. Trong đó: thu nội địa khoảng 8.551 tỷ đồng, đạt 22% so với dự toán năm (nếu trừ tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết thì thu nội địa khoảng 7.642 tỷ đồng, đạt 22% so với dự toán năm); thu lĩnh vực xuất nhập khẩu 4.218 tỷ đồng, đạt 26% so với dự toán năm (Tổng thu ngân sách cả nước 02 tháng đầu năm đạt 323,8 nghìn tỷ đồng, bằng 22,9% dự toán năm)
+ Tổng chi ngân sách địa phương đạt 3.111 tỷ đồng, đạt 14% so với dự toán, bằng 68% so cùng kỳ . Trong đó: chi đầu tư phát triển là 1.308 tỷ đồng, đạt 15% so với dự toán; chi thường xuyên đạt 1.802 tỷ đồng, đạt 13% so với dự toán.
- Về vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước:
Tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2021:
Tính đến ngày 31/01/2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đối với ngân sách tỉnh là 4.152,101 tỷ đồng, đạt 84,64% kế hoạch năm; đối với cấp huyện là 3.070,786 tỷ đồng, đạt 89,59% kế hoạch năm; đối với vốn ngân sách Trung ương là 7.744,442 tỷ đồng đạt 48,09 % kế hoạch năm. Lũy kế giải ngân Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành (dự án quan trọng quốc gia) đến 31/01/2022 14.699,311 tỷ đồng, đạt 64,32% kế hoạch.
Tình hình giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022:
Tính đến ngày 28/02/2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 5,23% (Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê giải ngân cả nước 2 tháng đầu năm đạt 8,0% kế hoạch năm), trong đó:
+ Tỷ lệ giải ngân của ngân sách trung ương đạt 7,7%, trong đó đối với nguồn vốn hỗ trợ các chương trình mục tiêu, tỷ lệ giải ngân đạt 18,21%.
+ Tỷ lệ giải ngân của ngân sách địa phương đạt 4,93% (ngân sách tỉnh đạt 2,14% kế hoạch năm; cấp huyện đạt 8,08% kế hoạch năm).
- Thu hút đầu tư trong nước: tổng vốn đầu tư trong nước đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư, chủ trương đầu tư và điều chỉnh tăng vốn là 258,1 tỷ đồng, bằng 11% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2021 đạt 2.329 tỷ đồng); trong đó: cấp mới 02 dự án với tổng vốn đăng ký là 160 tỷ đồng. Lũy kế đến ngày 28/02/2022, số dự án còn hiệu lực là 1.067 dự án với số vốn trên 303.049 tỷ đồng.
- Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt khoảng 78,77 triệu USD, bằng 25,86% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2021 đạt 304,6 triệu USD); trong đó: cấp mới 04 dự án với tổng vốn đăng ký 52,85 triệu USD. Lũy kế đến ngày 28/02/2022, số dự án còn hiệu lực là 1.555 dự án với số vốn là 32,45 tỷ USD.
- Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 266 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 1.064,2 tỷ đồng (so với cùng kỳ năm 2021, tăng 66,2% về số lượng doanh nghiệp). (Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cả nước 2 tháng là 20,3 nghìn doanh nghiệp)
- Công tác quản lý đất đai, tài nguyên môi trường: chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đôn đốc các huyện, thành phố khẩn trương giao nộp sản phẩm hồ sơ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030; báo cáo xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về việc lập thủ tục điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất năm 2022 cấp huyện. Tiếp tục thực hiện tốt công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh.
2. Xã hội
Các lĩnh vực văn hóa, thể thao, y tế, an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện. Sau tết Nguyên đán có khoảng 90% lao động tại các doanh nghiệp đã quay trở lại làm việc, trong 02 tháng đầu năm tỉnh giải quyết việc làm cho 9.986 lượt người; tư vấn và giới thiệu việc làm cho số lao động thất nghiệp 3.651 lượt người; hỗ trợ học nghề cho 59 người; cấp 64 giấy phép lao động; hỗ trợ cho 106 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay mới; hỗ trợ 3.524,68 tỷ đồng cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (số liệu lũy kế đến ngày 20/02/2022).
Hoạt động phòng, chống dịch Covid - 19: tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh trong 2 tháng đầu năm vẫn diễn biến phức tạp, số ca mắc mới tăng cao; nhất là sau đợt Tết Nguyên đán 2022... Tỉnh tiếp tục chỉ đạo các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các Trung tâm Y tế huyện, thành phố triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh như triển khai cách ly, điều trị F0 tại nhà, nơi lưu trú và triển khai giường bệnh tầng 2, tầng 3 tại các cơ sở y tế có giường bệnh tuyến huyện trên địa bàn tỉnh, bệnh viện dã chiến số 11.
3. Về công tác quốc phòng, an ninh - trật tự an toàn xã hội: Tình hình quốc phòng, an ninh- trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được tăng cường, giữ vững, công tác trật tự, trị an tại các địa bàn trọng điểm đã có nhiều thay đổi; các băng nhóm, tụ điểm tội phạm, tệ nạn xã hội đã giảm mạnh; công tác an toàn giao thông được tập trung thực hiện, trong tháng 2/2022, tỉnh đã tổ chức thành công Lễ giao quân năm 2022.
Phòng Tổng hợp, Quy hoạch.