I. Tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh quý I/2022:
Tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường; ở trong nước nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng, dịch bệnh covid-19 (biến chủng mới Omicron của virus SARS-CoV-2) tiếp tục lan rộng với số ca nhiễm tăng nhanh. Trong bối cảnh đó, Tỉnh Đồng Nai đã chủ động nắm tình hình, nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh uỷ về công tác phòng chống dịch và phục hồi kinh tế, cùng với đó là sự đóng góp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, niềm tin của người dân tạo nên động lực để khôi phục và phát triển kinh tế theo mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra tại Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Kinh tế - xã hội quý I/2022 của Đồng Nai đã đạt được nhiều kết quả tích cực, cụ thể như sau:
Tổng sản phẩm quốc nội (GRDP) trên địa bàn tỉnh quý I/2022 dự ước tăng 6,14% so cùng kỳ năm 2021. Trong mức tăng trưởng chung của tỉnh, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 6,08%; khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 4,04%; khu vực dịch vụ tăng 6,38%; thuế sản phẩm tăng 8,56%. (mức tăng trưởng quý I/2022 của cả nước tăng 5,03%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 1,88%; Bình Dương tăng 5,3%)
1. Kinh tế:
- Về sản xuất công nghiệp: sản xuất công nghiệp có tín hiệu phục hồi nhanh, các ngành sản xuất ổn định, xu hướng phát triển tích cực, nhất là một số ngành sản xuất chủ lực giữ vai trò quan trọng, tiếp tục là “lực kéo” cho tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp quý I/2022 tăng 6,01% so cùng kỳ.
- Về sản xuất nông nghiệp: Dự ước giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I/2022 (theo giá so sánh 2010) đạt 11.044,37 tỷ đồng, tăng 4,02% so cùng kỳ. Tính đến ngày 15/3/2022 tổng diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân ước đạt 37.993 ha, giảm 70 ha (giảm 0,18% so cùng kỳ). Tình hình chăn nuôi trên địa bàn tiếp tục phát triển; công tác tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm được quan tâm kịp thời, giám sát chặt chẽ, không để phát sinh thành dịch.
- Tình hình giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 (tính đến ngày 24/03/2022)
+ Nguồn vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương: giải ngân đạt khoảng 1.071,6 tỷ đồng, đạt 12,67% kế hoạch, trong đó: tỷ lệ giải ngân đối với vốn ngân sách tỉnh đạt 14,47% kế hoạch; cấp huyện đạt 10% kế hoạch.
+ Nguồn vốn ngân sách Trung ương (vốn trong nước): giải ngân đạt khoảng 80 tỷ đồng.
- Từ đầu năm đến ngày 25/3/2022, thu hút đầu tư trong nước (đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư, chủ trương đầu tư và điều chỉnh tăng vốn) là 198,1 tỷ đồng, bằng 5,16% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2021 đạt 3.832 tỷ đồng). Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khoảng 142 triệu USD, bằng 34% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2021 đạt 417 triệu USD). Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 971 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký khoảng 5.833,307 tỷ đồng (so với cùng kỳ 2021, tăng 40,8% về số lượng doanh nghiệp thành lập mới và bằng 52,69% về số vốn thành lập mới).
- Về công tác lập quy hoạch xây dựng: đối với quy hoạch Vùng huyện Long Thành, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng tham mưu Kế hoạch tổ chức Hội nghị thảo luận lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, các Hội nghề nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư bất động sản…, đối với quy hoạch chung đô thị, UBND tỉnh đã gửi Bộ Xây dựng thẩm định Báo cáo hồ sơ nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng thành phố Biên Hòa; quy hoạch chung đô thị Trảng Bom; đối với 02 đô thị còn lại (Đô thị huyện Long Thành và Đô thị mới Nhơn Trạch) dự kiến UBND tỉnh sẽ báo cáo Bộ Xây dựng thẩm định trong quý II/2022.
- Công tác lập Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: Hiện nay, Tỉnh đã phê duyệt Hồ sơ yêu cầu cung cấp dịch vụ tư vấn lập Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và chọn Công ty TNHH McKinsey & Company Việt Nam là đơn vị tư vấn lập Quy hoạch tỉnh Đồng Nai. Đồng thời, Tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Công ty CP Công nghệ - Viễn thông Sài Gòn thực hiện đàm phán với đơn vị tư vấn lập Quy hoạch tỉnh xây dựng tiến độ, lộ trình, xác định rõ thời gian, kinh phí, trách nhiệm các bên để tổ chức triển khai thực hiện lập Quy hoạch tỉnh.
- Công tác quản lý đất đai, tài nguyên môi trường được tập trung thực hiện: tỉnh đã phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 các huyện, thành phố Biên Hòa và thành phố Long Khánh; hướng dẫn các địa phương xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án trên địa bàn; tiếp tục xử lý những vấn đề còn tồn tại trong phương án quản lý khai thác đất công và đất nông, lâm trường.
- Tình hình xuất nhập khẩu có nhiều tín hiệu khả quan, đáng chú ý có một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao như: cà phê, cao su, hàng dệt may, giày dép, linh kiện điện tử,…, kết quả trong quý I/2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 6,2 tỷ USD, tăng 13,86% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 4,6 tỷ USD, tăng 5,08% so cùng kỳ.
- Thu, chi ngân sách Nhà nước đến ngày 27/3/2022: Tổng thu ngân sách nhà nước khoảng 17.163,7 tỷ đồng, đạt 31% dự toán. Trong đó: Thu nội địa khoảng 11.290,8 tỷ đồng, đạt 29% so với dự toán (Nếu loại trừ thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết thì thu nội địa là 9.478 tỷ đồng, đạt 29% dự toán); Thu lĩnh vực xuất nhập khẩu: khoảng 5.873,3 tỷ đồng, đạt 36% so dự toán. Tổng chi ngân sách địa phương khoảng 4.177,4 tỷ đồng, đạt 19% so với dự toán. Trong đó: Chi đầu tư phát triển 1.460,1 tỷ đồng, đạt 17% so với dự toán; Chi thường xuyên khoảng 2.717,3 tỷ đồng, đạt 20% so với dự toán.
- Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả: UBND tỉnh ban hành Quyết định công nhận 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 65/120 xã nông thôn mới nâng cao, bình quân mỗi xã đạt 16,91 tiêu chí; 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 05 Khu dân cư kiểu mẫu được các địa phương công nhận.
2. Xã hội, an ninh – trật tự
Hoạt động thông tin, tuyên truyền, văn hóa, nghệ thuật, thể thao, du lịch diễn ra sôi động, phong phú. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm an toàn thực phẩm được tăng cường, đặc biệt là công tác chăm lo, chuẩn bị các điều kiện phục vụ Nhân dân đón Tết Nhâm Dần trong không khí đầm ấm, vui tươi, phấn khởi, an toàn. Trong quý I/2022, tỉnh giải quyết việc làm cho 20.299 lượt người; hỗ trợ cho 256 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay mới với số tiền 12,791 tỷ đồng.
Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, số vụ phạm pháp hình sự giảm, tỷ lệ khám phá các vụ án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt khá; tai nạn giao thông được kiềm chế, kéo giảm.
3. Công tác phục hồi kinh tế
Tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh và Chương trình triển khai thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.
4. Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn, hạn chế:
Tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường; giá dầu thô và nhiều loại hàng hóa cơ bản khác có xu hướng tăng cao…đã tác động đến giá xăng dầu, nguyên vật liệu phục vụ cho tiêu dùng, sản xuất trong nước liên tiếp tăng, trong đó có tỉnh Đồng Nai, tiềm ẩn nguy cơ thiếu hụt cục bộ xăng dầu, đồng thời làm tăng chi phí sản xuất, vận tải, logistics… của các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh, cụ thể: như các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu đồ gỗ mặc dù nhận được nhiều đơn hàng, nhưng việc sản xuất lại gặp trở ngại khi giá gỗ nguyên liệu, phụ kiện phục vụ sản xuất cũng liên tục tăng. Đối với ngành chế biến thức ăn gia súc, gia cầm nguyên liệu nhập khẩu tăng cao làm cho giá thành sản phẩm tăng dẫn đến giá tiêu thụ sản phẩm tăng đã gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm; các mặt hàng sắt, thép giá vẫn liên tục ở mức cao cũng đang là khó khăn cho các ngành sản xuất liên quan.
Trong tỉnh, công tác thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài đạt thấp so với cùng kỳ; tiến độ lập quy hoạch xây dựng, đặc biệt là quy hoạch chung đô thị và quy hoạch vùng và tiến độ triển khai các kế hoạch về an toàn vệ sinh lao động, tuyển sinh tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tổ chức các Sàn giao dịch việc làm còn chậm so với kế hoạch đề ra. Công tác bảo đảm, trật tự an toàn giao thông được kiềm chế kéo giảm về số vụ, số người bị thương, tuy nhiên số người chết tăng so với cùng kỳ.
II. Một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong quý II/2022
Nhằm sớm khắc phục những khó khăn, thách thức, đồng thời đẩy nhanh thời gian phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đã đề ra; UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu các Sở ban ngành, địa phương của tỉnh chú trọng thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong quý II/2022 như sau:
1. Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại các Chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh về các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2022; nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 và Chương trình phục hồi kinh tế của tỉnh theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, đặc biệt các đơn vị như Sở Lao động, Thương binh và xã hội, Cục thuế tỉnh, Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh; Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh chủ động tập trung triển khai kịp thời các nhiệm vụ về đảm bảo an sinh xã hội; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh khi có hướng dẫn cụ thể của Bộ ngành Trung ương.
2. Xây dựng các nội dung dự thảo Tờ trình UBND tỉnh, Nghị quyết HĐND tỉnh trình tại kỳ họp giữa năm của HĐND tỉnh (khóa X) đảm bảo thời gian theo quy định.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư đẩy nhanh công tác đàm phán với đơn vị tư vấn về tiến độ lập quy hoạch xây dựng, lộ trình thời gian, kinh phí, trách nhiệm các bên để làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện lập quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp tục thực hiện tốt công tác đăng ký doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, công tác thu hút các dự án có vốn đầu tư trong nước và nước ngoài, trong đó chú trọng tập trung công tác rà soát phân nhóm, xác định các khó khăn, vướng mắc chung, vướng mắc của riêng từng dự án, để lập phương án tháo gỡ cụ thể; đồng thời rà soát các quy định của pháp luật nhất là những bất cập, chồng chéo giữa Luật Đầu tư với Luật Đất đai, Luật Nhà ở….để tham mưu UBND tỉnh kiến nghị cơ quan có thẩm quyền chỉnh sửa, bổ sung kịp thời với các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 và khôi phục sản xuất kinh doanh không vi phạm các quy định của pháp luật.
4. Tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ thu; tăng cường công tác tổ chức, kiểm soát, giám sát chặt chẽ tình hình nợ thuế, đẩy mạnh khai thác các nguồn thu nội địa, các nguồn thu từ đất. Đồng thời tiếp tục quản lý chặt chẽ các khoản chi, thực hiện triệt để chi thường xuyên; hạn chế sử dụng ngân sách cho việc mua sắm mới phương tiện, tài sản công theo quy định.
5. Thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước và các nhiệm vụ tại Chương trình bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu năm 2021-2022 và ứng phó với các diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19.
6. Khẩn trương Xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp, triển khai công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư các dự án nhà ở xã hội theo quy hoạch. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thoát nước và xử lý thoát nước thải tại các khu vực đô thị, đảm bảo tiêu thoát nước, không gây ngập lụt vào mùa mưa, trong đó tập trung xử lý dứt điểm các điểm ngập còn lại trên địa bàn thành phố Biên Hòa .
7. Tiếp tục thực hiện tốt các chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19, hướng dẫn của Bộ Y tế; triển khai Chiến lược tiêm vắc xin phòng COVID-19 toàn dân giai đoạn 2021-2022.
8. Rà soát chuẩn bị điều kiện tổ chức kỳ thi trung học phổ thông năm 2022 theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo đúng quy chế, an toàn, hiệu quả.
9. Tiếp tục duy trì nghiêm các quy định, chế độ trực sẵn sàng chiến đấu; tăng cường các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, thực hiện tốt công tác bảo đảm phòng cháy chữa cháy trên địa bàn.
Phòng Tổng hợp, Quy hoạch.