Mặc dù có vị trí và điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển đa dạng các lĩnh vực, kinh tế tỉnh Đồng Nai trong thời gian qua phát triển chưa đáp ứng kỳ vọng. Các khó khăn, hạn chế này đã được nhận diện cụ thể, nổi bật là các khía cạnh như:
Tăng trưởng và phát triển kinh tế chậm dần do các động lực phát triển đã tới hạn, công nghệ lạc hậu và nhạy cảm với thị trường, tương quan tụt hậu về kinh tế so với các tỉnh lân cận (thông qua chỉ số tăng trưởng kinh tế và và kết quả thu ngân sách hàng năm). Về cơ cấu kinh tế, công nghiệp chế biến chế tạo đóng góp phần lớn vào GRDP của tỉnh, tuy nhiên chất lượng ngành công nghiệp nhìn chung vẫn chưa cao, tập trung chủ yếu các ngành thâm dụng lao động, tài nguyên. Công nghiệp của tỉnh phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp FDI. Các sản phẩm tham gia vào chuỗi sản phẩm toàn cầu chưa nhiều, giá trị tăng thêm của sản phẩm còn thấp. Chưa hình thành được các cụm liên kết ngành (các cluster); sự gắn kết giữa công nghiệp với thương mại - dịch vụ, nông nghiệp còn hạn chế. Chưa thu hút được nhiều dự án có công nghệ tiên tiến. Ngành thương mại dịch vụ chưa phát huy tốt tiềm năng của một tỉnh có vị trí trọng điểm; quy mô và chất lượng các loại hình dịch vụ vẫn ở mức nhỏ. Động lực phát triển kinh tế chưa đồng đều, chủ yếu tập trung ở khu vực phía tây, dọc theo QL51, khu vực phía Đông – Đông Bắc tỉnh chưa tạo dựng được động lực để thúc đẩy, phát huy tiềm năng phát triển.
Chậm phát triển hạ tầng xã hội, chăm lo cho người dân. Đô thị hóa, gắn với các hoạt động dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch được xác định là động lực chủ yếu song diễn ra còn chậm. Việc thúc đẩy quá trình đô thị hóa diễn ra sâu rộng trên địa bàn tỉnh có thể trở thành động lực giúp tỉnh theo kịp các địa phương dẫn đầu cả nước về quy mô kinh tế. Tiến độ triển khai các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm của cả nước, của vùng trên địa bàn tỉnh còn chậm, gây lãng phí nguồn lực và là điểm nghẽn chính trong việc thu hút đầu tư. Chất lượng các lĩnh vực văn hóa, thể thao chưa tương xứng tiềm năng.
Khả năng hành động của đội ngũ cán bộ, công chức chưa theo kịp với thay đổi của xã hội. Chất lượng nguồn nhân lực cải thiện chậm, tỷ lệ lao động qua đào tạo vẫn ở mức thấp so với các địa phương trong vùng và cả nước. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Đồng Nai vẫn chậm hơn so với một số địa phương trong nhóm tăng trưởng nhanh của cả nước. Cải cách hành chính, chuyển đổi số, chính quyền số và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong bộ máy hành chính và nền kinh tế của tỉnh nhìn chung còn hạn chế. Tiềm lực khoa học, công nghệ của tỉnh chỉ đạt mức trung bình khá so với mặt bằng cả nước, cơ sở hạ tầng nghiên cứu khoa học còn yếu và thiếu, chưa đủ năng lực nghiên cứu, giải quyết được căn cơ các vấn đề thực tiễn quản lý, sản xuất theo yêu cầu phát triển. Chưa có các cơ sở nghiên cứu khoa học về lĩnh vực trọng tâm là phát triển du lịch và kinh tế vận tải, logistics. Những năm tới, tiềm lực này cần phải được đầu tư đột phá để phát triển thì mới có thể đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế giai đoạn Cách mạng công nghiệp 4.0. Một số dự án quan trọng chậm tiến độ và không đạt được hiệu quả như mong đợi, đồng thời việc quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất vẫn còn lỏng lẻo.
Và để giải quyết, khắc phục tốt hơn vấn đề trên, thì nhóm giải pháp trọng tâm mà Tỉnh cần tập trung trong thời gian tớ
Kiên định mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững, thu hút đầu tư có chọn lọc. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, gia tăng năng suất các nhân tố tổng hợp - TFP. Đối với các dự án đầu tư vào tỉnh Đồng Nai phải là những dự án có hàm lượng cao về công nghệ, làm tăng giá trị gia tăng trên 1 ha đất sử dụng, trên 1 công nhân lao động và trên 1 đồng vốn bỏ vào đầu tư. Các dự án đầu tư vào Đồng Nai không được phép thâm dụng lao động, nâng cao năng suất và tăng chất lượng của người lao động; các Nhà đầu tư, doanh nghiệp phải quan tâm có chính sách chăm lo, giữ chân người lao động, đào tạo, bồi dưỡng tay nghề để người lao động ngày càng có chất lượng cao hơn, hội nhập được môi trường lao động quốc tế. Từng đồng chí lãnh đạo Tỉnh, Sở, ngành, địa phương phải thấm nhuần tư duy chọn lọc để phát triển, kiên định với mô hình phát triển bền vững để đảm bảo cho một tương lai vững chắc của tỉnh Đồng Nai trong giai đoạn tiếp theo để từ đó kiểm soát có hiệu quả việc thu hút đầu tư và bảo vệ môi trường.
Thúc đẩy phát triển các trụ cột kinh tế của tỉnh, gồm: (1) Công nghiệp; (2) nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao; (3) logistic, dịch vụ, du lịch, thương mại, khai thác cảng hàng hải, cảng hàng không quốc tế; (4) xây dựng. Thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế tư nhân và kiểm soát có hiệu quả đầu tư FDI, đảm bảo sự cân bằng giữa thu hút FDI và thu hút đầu tư trong nước, giảm sự lệ thuộc vào kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, đảm bảo an ninh kinh tế và phát triển kinh tế địa phương một cách bền vững. Cần phân tích tác động của kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đối với tăng trưởng kinh tế xã hội trên địa bàn.
- Xây dựng chiến lược để phát triển bao gồm: (1) về hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, trong đó chú trọng thực hiện đồng bộ các hạ tầng về Giao thông (kết nối vùng, nội tỉnh), hạ tầng về đô thị (xử lý rác, bãi đậu xe, công viên, không gian phúc lợi xã hội); (2) các vấn đề về năng lượng; (3) về nghiên cứu khoa học và sáng tạo; (4) vấn đề nước ngọt phục vụ: dân sinh, công nghiệp, nông nghiệp, du lịch; (5) về nâng cao Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và môi trường để thu hút Nhà đầu tư; (6) vấn đề chuyển đổi số; (7) vấn đề về phân vùng phát triển, tránh xung đột về lợi ích trong quá trình phát triển.
- Xác định nguồn lực cho sự phát triển của tỉnh từ 3 nguồn chính: (1) nguồn lực từ ngân sách, (2) nguồn lực xã hội – xã hội hóa và (3) nguồn lực từ khai thác quỹ đất công, trong đó rà soát nguồn lực ngân sách, phân bổ tỷ lệ chi đầu tư hàng năm đảm bảo tập trung nguồn lực, tránh dàn trải, không đồng bộ, gây lãng phí nguồn lực đầu tư, nỗ lực giảm chi thường xuyên để tăng chi đầu tư phát triển; thu hút mạnh mẽ nguồn lực xã hội thông qua các hình thức xã hội hóa với phương châm “nguồn lực công chăm lo cho người nghèo, khu vực nghèo; đầu tư xã hội hóa là đáp ứng nhu cầu người có thu nhập cao, cung cấp dịch vụ chất lượng cao cho địa bàn có kinh tế khá"; khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn lực từ đất đai thông qua đấu giá đất công để tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế xã hội.
- Phải thấm nhuần tư duy chọn Nhà đầu tư tốt nhất, nhà thầu tốt nhất, ý tưởng tốt nhất cho sự phát triển của tỉnh, vì lợi ích của quốc gia, lợi ích của tỉnh Đồng Nai và của nhân dân. Phải nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh thông qua việc cải thiện môi trường thu hút đầu tư, trong đó phải nâng cao tính sẵn sàng trong đón tiếp, thực hiện thủ tục, phê duyệt dự án đầu tư; phải minh bạch trong tiếp cận thông tin và công tâm lựa chọn Nhà đầu tư, nhà thầu; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền các cấp gắn với nâng cao chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân (SIPAS), chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI), làm cho bộ máy nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân, phụng sự nhân dân. Sẵn sàng tiếp, lắng nghe và giải quyết kịp thời những vướng mắc của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sự phát triển của tỉnh.
- Kiên định mục tiêu đạt được phát thải trung tính- Netzero vào năm 2050, từ đó thực thi các giải pháp về chuyển đổi công nghệ, thay đổi tư duy từ sản xuất đến tiêu dùng nhằm từng bước giảm thải phát thải carbon, tham gia xây dựng và phát triển thị trường mua bán tín chỉ carbon để thúc đẩy nhanh quá trình.