Trên cơ sở các tư tưởng phát triển, tư duy đột phá trong các Nghị quyết của Trung ương như: Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 154/NQ-CP ngày 23/11/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW; Nghị quyết 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia,… Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 586/QĐ-TTg ngày 03/7/2024 đã cụ thể hoá thành các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của tỉnh trong thời kỳ quy hoạch 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 như sau:
1. Xác định mục tiêu phát triển
Mục tiêu tổng quát: Đến năm 2030, Đồng Nai trở thành tỉnh phát triển văn minh, hiện đại, tốc độ tăng trưởng cao, vượt qua ngưỡng thu nhập cao trong nhóm đầu của cả nước. Kinh tế phát triển năng động và đi đầu trong phát triển kinh tế hàng không, công nghiệp công nghệ cao, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội, hệ thống đô thị phát triển đồng bộ, hiện đại, thông minh, bền vững, giàu bản sắc, đặc trưng là phát triển đô thị sân bay, đô thị sinh thái đẳng cấp quốc tế. Bản sắc văn hoá được bảo tồn và phát huy; môi trường sinh thái được bảo vệ, thích ứng với biến đổi khí hậu; quốc phòng, an ninh được đảm bảo vững chắc.
Tầm nhìn đến năm 2050: Đồng Nai phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đi đầu trong phát triển công nghiệp công nghệ cao, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thông minh, hiện đại; là trung tâm giao thương quốc tế, du lịch, dịch vụ gắn với các đô thị đẳng cấp quốc tế, nơi tập trung trí thức và nhân tài, lấy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm và hoàn thành mục tiêu phát thải ròng bằng “0". Các lĩnh vực xã hội phát triển hài hòa; người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc.
2. Xác định 05 đột phá phát triển
(i) Khai thác hiệu quả Cảng hàng không quốc tế Long Thành và triển khai dự án sân bay lưỡng dụng Biên Hòa gắn với mô hình đô thị sân bay.
(ii) Hoàn thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu. Trong đó, tập trung vào hạ tầng giao thông, thủy lợi, đô thị, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng y tế, giáo dục, an sinh xã hội. Thúc đẩy phát triển đô thị gắn với định hướng giao thông công cộng (TOD).
(iii) Xây dựng các Khu công nghiệp xanh, thực hiện chuyển đổi các Khu công nghiệp hiện hữu theo lộ trình thực hiện mục tiêu giảm phát thải cac-bon. Tập trung thu hút đầu tư các dự án công nghiệp hiện đại, có giá trị gia tăng cao, công nghệ mới, thân thiện môi trường, gắn với chuỗi giá trị toàn cầu.
(iv) Xây dựng khu trung tâm đổi mới sáng tạo, khu công nghệ thông tin tập trung, các dự án chuyển đổi số, phát triển các tổ hợp giáo dục, đào tạo chuyên sâu cho Vùng Đông Nam Bộ.
(v) Triển khai các dự án đô thị, du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng đẳng cấp, tập trung phát triển: các khu đô thị - du lịch - dịch vụ kề cận sân bay Long Thành; khu đô thị - du lịch núi Chứa Chan, hồ Núi Le; chuỗi đô thị ven sông Đồng Nai (ưu tiên khu vực thành phố Biên Hòa, huyện Long Thành, huyện Nhơn Trạch).
3. Tổ chức không gian phát triển hoạt động kinh tế - xã hội
Nhằm sắp xếp, bố trí không gian lãnh thổ hợp lý, bảo đảm tính khoa học, phù hợp với điều kiện tự nhiên, tiềm năng, lợi thế của từng khu vực, khắc phục xung đột phát triển giữa các ngành kinh tế trụ cột, Quy hoạch tỉnh Đồng Nai tổ chức không gian phát triển tỉnh theo 3 vùng chức năng như sau:
a) Phương án phát triển không gian
Phát triển theo 3 vùng kinh tế - xã hội với những đặc trưng như sau:
- Vùng phía Tây (từ đường Vành đai 4 đến sông Đồng Nai, gồm thành phố Biên Hòa, các đô thị Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom và 08 xã: Bình Hòa, Tân Bình, Bình Lợi, Thạnh Phú, Thiện Tân, Tân An, Vĩnh Tân, Trị An và thị trấn Vĩnh An của huyện Vĩnh Cửu) là vùng động lực đô thị - dịch vụ - công nghiệp; hạt nhân phát triển chính là chuỗi đô thị ven sông Đồng Nai: Biên Hòa - Long Thành - Nhơn Trạch.
Định hướng phát triển: lấy công nghiệp hàng không, công nghệ cao, công nghiệp chuyên sâu và dịch vụ chất lượng cao, đổi mới sáng tạo, tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu làm phương hướng chủ đạo. Từng bước liên kết các đô thị lớn qua không gian ngầm gắn với phát triển các loại hình chức năng thương mại - dịch vụ, đô thị. Phát triển các dịch vụ tài chính, logistics và các dịch vụ phục vụ Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Hướng đến phát triển các loại hình dịch vụ chất lượng cao, các loại hình du lịch gắn liền với các đô thị văn minh hiện đại, cảng hàng không quốc tế và sông Đồng Nai.
- Vùng phía Đông (nằm phía Nam hồ Trị An và sông La Ngà, phía Tây Vành đai 4, bao gồm thành phố Long Khánh, các huyện Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Thống Nhất và 05 xã Suối Nho, Phú Túc, Túc Trưng, Phú Cường, La Ngà của huyện Định Quán) là vùng động lực phát triển công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ với thành phố Long Khánh làm hạt nhân trung tâm.
Định hướng phát triển: phát triển nông nghiệp gắn với đô thị hóa quy mô vừa và nhỏ làm phương hướng chủ đạo; phát triển các ngành công nghiệp gắn với thế mạnh địa bàn, từng bước hình thành các trung tâm đô thị, dịch vụ, thương mại.
- Vùng phía Bắc (nằm ở phía Bắc hồ Trị An và sông La Ngà, gồm phần còn lại của huyện Vĩnh Cửu, huyện Định Quán và toàn huyện Tân Phú) là vùng động lực phát triển nông nghiệp - du lịch - sinh thái với cặp đô thị Định Quán - Tân Phú là hạt nhân trung tâm.
Định hướng phát triển: lấy bảo tồn, phát triển các giá trị sinh thái đặc trưng bản địa, gắn với đô thị hóa quy mô nhỏ làm phương hướng chủ đạo; phát triển các vùng chăn nuôi, chuyên canh, nông nghiệp công nghệ cao; ổn định đời sống dân cư khu vực nông thôn, tăng mật độ che phủ rừng, góp phần cân bằng sinh thái, điều hòa khí hậu, cải thiện môi trường vùng, đặc biệt là bảo vệ nguồn nước.
b) Phương án liên kết không gian của tỉnh Đồng Nai được xây dựng trên cơ sở phát triển 6 hành lang và 3 vành đai như sau
- 06 hành lang gồm: hành lang sông Đồng Nai; hành lang Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Quốc lộ 51; hành lang Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Phan Thiết; hành lang Quốc lộ 1 và Đường sắt Bắc - Nam; hành lang Quốc lộ 20 và Cao tốc Dầu Giây - Tân Phú; hành lang Cao tốc Bến Lức - Long Thành.
- 03 vành đai gồm: Vành đai 4 vùng thành phố Hồ Chí Minh; Vành đai Quốc lộ 56 - Đường tỉnh 762; Vành đai liên kết Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu.
4. Phát triển các ngành kinh tế quan trọng, trụ cột phát triển
Căn cứ chủ trương, định hướng của Trung ương và trên cơ sở khả năng khai thác, phát huy các tiềm năng, lợi thế, tỉnh lựa chọn 5 nhóm ngành kinh tế quan trọng làm trụ cột phát triển, gồm:
(i) Trung tâm công nghiệp & dịch vụ hỗ trợ CN hiện đại: Phát triển các khu công nghiệp chuyên ngành/ Khu công nghệ cao; Các dịch vụ hỗ trợ công nghiệp đa dạng; Trung tâm thử nghiệm, R&D, vườn ươm khởi nghiệp, đào tạo nghề chất lượng cao.
(ii) Thành phố sân bay –trung tâm hội nhập quốc tế: Phát triển Trung tâm logistics quốc tế; Khu mậu dịch tự do sân bay, trung tâm hội nghị, triển lãm, xúc tiến thương mại quốc tế; Tổ hợp đô thị sân bay hiện đại; Trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, giáo dục của vùng Đông Nam Bộ.
(iii) Phát triển du lịch đô thị dịch vụ: Đồng Nai là điểm đến du lịch văn hóa, sinh thái; Chuỗi đô thị dịch vụ ven núi, ven sông, ven hồ đẳng cấp tích hợp các dịch vụ hàng đầu; Quần thể văn hóa, giải trí, thể thao.
(iv) Nông nghiệp hiệu quả cao & bền vững: Đồng Nai sẽ thành trung tâm trồng trọt rau củ & cây ăn quả của vùng Đông Nam Bộ; Quần thể vườn cây dược liệu, hoa, cây cảnh giá trị cao; Mô hình chăn nuôi gia súc & gia cầm hiện đại, khép kín & hiệu quả cao.
(v) Phát triển bền vững theo hướng phát triển và sử dụng năng lượng xanh: Đồng Nai phát triển theo mô hình bền vững sử dụng năng lượng xanh, kinh tế xanh, kinh tế số; Phát triển kinh tế tuần hoàn xuyên suốt, đồng bộ các ngành. Thực hiện mục tiêu Net – Zero vào năm 2050.
5. Tổ chức và sắp xếp không gian phát triển đô thị, phát triển các khu chức năng
a) Phát triển đô thị
Phát triển hệ thống đô thị theo hướng xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hình thành hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại (bao gồm giao thông trên mặt đất, Metro, Monorail), đảm bảo kết nối giữa các đô thị trong tỉnh và với các đô thị trong vùng; phát triển đô thị gắn với bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên.
- Đến năm 2030, Đồng Nai có 19 đô thị, bao gồm 01 đô thị loại I (thành phố Biên Hòa); 02 đô thị loại II (thành phố Long Khánh và đô thị Nhơn Trạch); 01 đô thị loại III (Long Thành), 07 đô thị loại IV (Thị xã Trảng Bom, Dầu Giây, Định Quán, Tân Phú, Vĩnh An, Long Giao, Gia Ray) và 08 đô thị loại V (Hưng Lộc, Gia Kiệm, Quang Trung, Gia Tân 1, La Ngà, Phú Túc, Thạnh Phú, Sông Ray).
- Giai đoạn 2030-2050: Đồng Nai có 26 đô thị, bao gồm 03 đô thị loại I (thành phố Biên Hòa, thành phố Long Khánh và đô thị Nhơn Trạch); 01 đô thị loại II (thành phố Long Thành), 01 đô thị loại III (thành phố Trảng Bom); 07 đô thị loại IV (thị xã Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú, Vĩnh An, Thạnh Phú, Long Giao, Gia Ray) và 14 đô thị loại V.
b) Phát triển các khu chức năng
- Đến năm 2030, Đồng Nai đầu tư hoàn thành 48 khu công nghiệp đi vào hoạt động với tổng diện tích 18.543 ha, trong đó quy hoạch mới 10 khu công nghiệp với tổng diện tích ; Quy hoạch 31 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 1.874ha, trong đó quy hoạch mới 11 cụm công nghiệp, với tổng diện tích khoảng 672ha.
- Hình thành và phát triển Khu công nghệ cao Đồng Nai với diện tích 497ha tại huyện Cẩm Mỹ với trọng tâm thu hút, phát triển các lĩnh vực tiên tiến như công nghệ thông tin, điện tử, tự động hóa, công nghệ hàng không, công nghệ trí tuệ nhân tạo.
- Hình thành Khu công nghệ thông tin tập trung với diện tích 100ha tại huyện Long Thành. Tập trung thu hút đầu tư các trung tâm dữ liệu hiện đại, luân chuyển dòng chảy dữ liệu quốc tế.
- Thành lập Khu đổi mới sáng tạo với quy mô khoảng 300ha tại huyện Long Thành với chức năng hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến và thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ quốc tế nhằm góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ.
- Phát huy lợi thế cảnh quan ven sông, ven núi, ven hồ, tài nguyên đa dạng sinh học và tài nguyên văn hóa - lịch sử, tỉnh Đồng Nai phân 05 vùng du lịch gồm: vùng du lịch Biên Hòa - sông Đồng Nai; vùng du lịch, vui chơi, giải trí kết hợp mua sắm thuộc Nhơn Trạch - Long Thành; vùng du lịch sinh thái Tân Phú - Vĩnh Cửu - Định Quán - Trảng Bom; vùng du lịch văn hoá tín ngưỡng - du lịch nông nghiệp Long Khánh - Xuân Lộc - Cẩm Mỹ - Thống Nhất; vùng du lịch hồ Trị An.
6. Phương án phát triển các khu vực có vai trò động lực
Đến năm 2030, lấy 02 khu vực làm động lực phát triển mới cho tỉnh, gồm:
a) Khu vực đô thị sân bay Long Thành
- Hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành với hệ thống đường cao tốc, đường sắt quốc gia và vùng. Phát triển toàn diện các dịch vụ hàng không trong phạm vi Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
- Tại huyện Long Thành: phát triển khu đô thị tại phía Tây Nam Cảng hàng không quốc tế Long Thành; phát triển các khu cụm công nghiệp, logistics phía Đông Nam Cảng hàng không quốc tế Long Thành, liên kết với hệ thống công nghiệp - dịch vụ hậu cần cảng biển Cái Mép - Thị Vải; phát triển chuỗi đô thị - công nghiệp - dịch vụ theo trục cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Quốc lộ 51 và Vành đai 4 vùng Thành phố Hồ Chí Minh.
- Tại huyện Nhơn Trạch: phát triển chuỗi đô thị - dịch vụ - công nghiệp công nghệ cao, kết nối đồng bộ về cơ sở hạ tầng, dịch vụ logistics với hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải, cảng biển Phước An, trung tâm thành phố Hồ Chí Minh; phát triển tuyến dịch vụ - du lịch kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành với khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.
- Tại huyện Cẩm Mỹ: phát triển khu đô thị - công nghiệp - dịch vụ Sông Nhạn tại cửa ngõ phía Đông Bắc Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
b) Khu vực hành lang sông Đồng Nai
Lấy sông Đồng Nai làm trục phát triển kinh tế năng động của tỉnh. Kế thừa, duy trì, tối ưu hóa cấu trúc mạng lưới kênh rạch ven sông Đồng Nai; xây dựng tuyến đường ven sông; xúc tiến xây dựng các cầu qua sông liên kết mạnh mẽ với Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương. Bảo vệ và phát triển cân bằng, hợp lý cảnh quan xanh toàn tuyến ven sông kết hợp các mô hình phát triển dịch vụ, đô thị, du lịch sinh thái có chọn lọc. Liên kết hài hòa tuyến cảnh quan ven sông với tuyến TOD liên đô thị. Phát triển giao thông đường thuỷ phục vụ du lịch và dân dụng, cùng các hoạt động vui chơi giải trí nước đa dạng.
- Khu vực ven sông thuộc huyện Định Quán và Tân Phú: phát triển Khu du lịch Hồ Trị An và các cụm dịch vụ du lịch theo mô hình du lịch sinh thái, du lịch rừng gắn với bảo vệ cảnh quan, bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo tồn tài nguyên nước.
- Khu vực ven sông thuộc phía Tây huyện Vĩnh Cửu: phát triển đô thị sinh thái, kết nối với đô thị Tân Uyên tỉnh Bình Dương, hình thành tuyến đô thị năng động hai bên sông.
- Khu vực ven sông thuộc phía Bắc thành phố Biên Hoà: phát triển trung tâm đô thị tại Cù lao Hiệp Hòa và khu vực chuyển đổi công năng khu công nghiệp Biên Hòa I, phát triển khu đô thị hai bên sông Đồng Nai.
- Khu vực ven sông Nam Biên Hoà - Bắc Long Thành: phát triển các khu đô thị - dịch vụ cao cấp, kiểu mẫu, từng bước giãn dân từ khu vực trung tâm Biên Hòa hiện hữu và thu hút dân cư từ Thành phố Hồ Chí Minh.
- Khu vực ven sông thuộc huyện Nhơn Trạch: phát triển các khu đô thị mới, du lịch, thương mại, dịch vụ, cảng biển. Bảo tồn các khu vực rừng ngập mặn, tổ chức các không gian mở, mảng xanh, công viên bán ngập,…
IV. KẾT QUẢ VÀ ĐỊNH HƯỚNG THU HÚT ĐẦU TƯ
Tỉnh Đồng Nai luôn là địa phương năng động trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tỉnh luôn kiên trì mục tiêu phát triển bền vững, thu hút đầu tư có chọn lọc, tăng cường cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả các hoạt động quản lý nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp cùng phát triển.
Tổng vốn đầu tư thu hút dự án FDI năm 2023 là 1,23 tỷ USD, bằng 107% so với cùng kỳ năm 2022 (1,15 tỷ USD) và tăng 11,5% so với kế hoạch năm (1.100 triệu USD). Lũy kế 8 tháng đầu năm 2024 thu hút đầu tư trong nước đạt trên 42 nghìn tỷ đồng, gấp gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2023; thu hút đầu tư nước ngoài đạt khoảng 1,1 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2023.
Đối với với ngành nghề đầu tư của các dự án cấp mới, tỉnh Đồng Nai vẫn tập trung thu hút đầu tư có chọn lọc các dự án xanh, dự án phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghệ chế biến, công nghiệp phụ trợ, cụ thể trong năm 2023 thu hút được 39 dự án mới thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ (chiếm 50,6% số dự án mới) với vốn đầu tư đăng ký là 340,37 triệu USD, chiếm 74,6% tổng vốn đăng ký mới.
Các dự án FDI thu hút mới gồm các dự án thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nhựa, cơ khí, thực phẩm, logistic,… với suất đầu tư bình quân 6,14 triệu USD/ha, số lượng lao động bình quân 104 người/ha; không có dự án thuộc danh mục ngành nghề có yếu tố gây ô nhiễm môi trường, không thâm dụng lao động; đảm bảo tiêu chí về công nghệ và đúng định hướng thu hút đầu tư của tỉnh.
Kết quả thu hút đầu tư của tỉnh trên đây cho thấy, Quy hoạch tỉnh với mục tiêu và tầm nhìn dài hạn, việc tổ chức không gian lãnh thổ phù hợp, bước đầu đã có tác động tích cực đối với thu hút đầu tư, nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.
Theo Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Đồng Nai xác định: trở thành tỉnh phát triển văn minh, hiện đại, tốc độ tăng trưởng cao, kinh tế phát triển năng động và đi đầu trong phát triển kinh tế hàng không, công nghiệp công nghệ cao, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; tập trung thu hút đầu tư phát triển 03 nhóm ngành kinh tế trụ cột (công nghiệp, dịch vụ, nông, lâm nghiệp, thủy sản). Để đáp ứng yêu cầu phát triển với tầm nhìn dài hạn, tỉnh tổ chức không gian phát triển theo 3 vùng kinh tế - xã hội và 2 khu vực có vai trò động lực (đô thị sân bay Long Thành, hành lang sông Đồng Nai), cùng với định hướng phát triển theo Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị, tỉnh tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư vào các nhóm ngành kinh tế trụ cột, cụ thể như sau:
- Xây dựng Trung tâm chính trị - hành chính tỉnh Đồng Nai.
- Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp: 10 khu công nghiệp.
- Phát triển hạ tầng Cụm công nghiệp: 11 Cụm công nghiệp.
- Các khu chức năng gồm: Khu công nghệ cao; Khu công nghệ thông tin tập trung; khu đổi mới sáng tạo.
- Thương mại: 4 dự án
- Nông nghiệp: 6 nhóm dự án.
- Hạ tầng giao thông: 17 nhóm dự án.
- Năng lượng: 12 dự án
- Cấp nước – thoát nước – xử lý chất thải: 20 dự án
- Khu đô thị - dân cư: 9 nhóm dự án
- Y tế - Giáo dục: 18 dự án
- Văn hóa – Thể thao – Du lịch: 11 dự án
Trong các năm tiếp theo, tùy theo tình hình phát triển, sự quan tâm của các nhà đầu tư, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung Danh mục dự án xúc tiến đầu tư, bảo đảm phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển trong Quy hoạch tỉnh; thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ theo Quy hoạch tỉnh.